Thanh niên vùng biên làm giàu từ "vườn - ao - chuồng"
Gia đình anh Lương Văn Tâm, sinh năm 1996, ở thôn 14 (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) có hơn 9 sào đất nhưng lâu nay bỏ hoang do không có người làm. Năm 2018, anh Tâm xuất ngũ trở về địa phương, quyết định lập nghiệp với ruộng vườn.
Ngoài diện tích vườn, gia đình anh Tâm có sẵn 3 ao cá, anh đầu tư 14 triệu đồng thả hơn 1 tạ cá trắm, trôi, chép, mè. Sau hơn một năm nuôi, số cá giống và cá thịt của gia đình anh Tâm bán được hơn 150 triệu đồng.
Anh Lương Văn Tâm chăm sóc đàn vịt. |
Tiếp đó, thấy nhiều gia đình ở địa phương thành công với mô hình cây ăn quả, anh Tâm cải tạo đất, mạnh dạn bỏ vốn hơn 120 triệu đồng mua 900 cây bơ, bưởi, cam, quýt, ổi, na… về trồng xen canh. Anh Tâm trò chuyện: “Trồng cây ăn quả cần kinh phí đầu tư ban đầu lớn để mua giống, phân bón, công chăm sóc, sau đó chi phí đầu tư thấp dần. Ít nhất từ năm thứ 2 - 3 cây ăn quả mới bắt đầu cho thu hoạch, lợi nhuận theo đó tăng lên. Vì vậy, tôi quyết định trồng xen một số loại cây ăn quả ngắn ngày để có nguồn thu chăm sóc các loại cây ăn quả dài ngày hơn”. Sau gần 2 năm trồng, chăm sóc ổi, quýt, bưởi cho thu bói, thương lái tìm đến tận vườn mua, mỗi năm anh Tâm thu được hơn 50 triệu đồng.
Huyện Đoàn Ea Súp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vừa trao 20 triệu đồng vốn khởi nghiệp cho anh Lương Văn Tâm, tạo động lực để anh lập nghiệp. |
Không chỉ vậy, anh Tâm còn nuôi thêm 3.000 con vịt đẻ trứng theo phương thức vừa nuôi nhốt kết hợp thả đồng. Anh Tâm tận dụng nguồn phân vịt bón cho vườn cây ăn quả và làm thức ăn thêm cho cá để tiết kiệm chi phí. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng vịt bắt đầu đẻ trứng, trung bình mỗi ngày thu từ 900 - 2.500 quả trứng, với giá trung bình từ 800 - 1.200 đồng/quả. Theo anh Tâm, nuôi vịt đẻ trứng không khó nhưng phải tuân thủ đúng kỹ thuật, đặc biệt là khâu chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường ảnh hưởng đến tỷ lệ đẻ của vịt nên nền chuồng phải cao ráo, bằng phẳng, thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông mới cho năng suất cao. Điều mà anh Tâm chưa yên tâm khi nuôi vịt đẻ trứng là chưa có thị trường đầu ra ổn định mà bán lẻ tại các chợ thì giá bấp bênh, chưa kể những năm gần đây dịch bệnh trên đàn gia cầm thường xuyên xảy ra khiến nhiều người chăn nuôi lao đao. Để giảm thiểu rủi ro, anh Tâm chú trọng phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vịt bằng cách phun thuốc tiêu độc khử trùng thường xuyên và tiêm phòng vắc - xin…
Để tận dụng hết đất đai của gia đình, anh Tâm nuôi thêm 60 con gà Mông giống, trung bình mỗi tháng đẻ hơn 600 quả trứng. Anh Tâm tự chế tạo 3 máy ấp trứng gà (trị giá 1,3 triệu đồng/cái), mỗi đợt ấp 300 trứng trong vòng 27 ngày với tỷ lệ nở đạt trên 90%. Gà sau khi nở, được anh Tâm nuôi một thời gian ngắn và bán với giá 40.000 đồng/con. Gà con và số trứng còn lại được người dân tìm đến mua nên không tồn đọng.
Đoàn viên, thanh niên học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế của anh Lương Văn Tâm (bên trái) |
Nhờ chăm chỉ, mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là sự nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, sau gần 3 năm gắn phát triển mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng, gia đình anh Tâm đã trở thành một trong những hộ khá ở xã Ea Rốk.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc