Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện EVFTA: Sẵn sàng ra "sân chơi" lớn

08:38, 02/11/2020

Với việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, cùng với các bộ, ngành Trung ương và cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước, UBND tỉnh cũng như các DN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng những giải pháp nhằm sẵn sàng vượt qua thách thức, nắm lấy những cơ hội lớn.

Nâng tầm doanh nghiệp, ngành hàng

EVFTA được ký kết ngày 30-6-2019 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1-8-2020. Hiệp định có cam kết sâu, rộng trong nhiều lĩnh vực này sẽ mang lại nhiều cơ hội trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị mới toàn cầu. Để ra "sân chơi" lớn, các DN, ngành hàng cần có những thay đổi nhằm nâng tầm, tăng sức cạnh tranh ở thị trường quốc tế có đòi hỏi khắt khe. 

 

Một doanh nghiệp chế biến cà phê theo công nghệ ướt tại huyện Cư M'gar.  Ảnh: M.Thông
Một doanh nghiệp chế biến cà phê theo công nghệ ướt tại huyện Cư M'gar. 

 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 9.000 DN đang hoạt động. Tuy nhiên, đa phần DN có quy mô nhỏ, trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao, khả năng tài chính, quản trị và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Bên cạnh đó, số lượng DN xuất khẩu của tỉnh ít, nhận thức, hiểu biết về các hiệp định thương mại tự do còn hạn chế. 

Để có sức cạnh tranh một cách sòng phẳng trên thị trường, các DN cần có chiến lược phát triển một cách bài bản, cụ thể, đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của các đối tác, khách hàng các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, các DN cần chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng những tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước trong EU; đồng thời, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất và đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Không chỉ DN mà rộng hơn là các ngành hàng cũng cần một cuộc đổi thay, đặc biệt là cà phê – ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), ngành cà phê cần phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững, chất lượng cao, đặc sản để góp phần phát triển công nghiệp chế biến, thu hút đầu tư, gia tăng giá trị xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các cam kết về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các DN trong ngành này cần được hỗ trợ  về vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực chế biến sâu. Ngoài ra, thúc đẩy tiêu dùng cà phê trong nước để kích thích phát triển chế biến, giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài trong trường hợp biến động giá hoặc phòng vệ thương mại.

Lộ trình vững chắc

Bên cạnh những cơ hội lớn, hội nhập EVFTA cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước, DN và người dân. Do đó, ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1201/QĐ-TTg, ngày 6-8-2020 phê duyệt Kế hoạch thực hiện EVFTA. Đối với địa phương, UBND tỉnh đã có Kế hoạch 9536/KH-UBND, ngày 22-10-2020 về thực hiện EVFTA đến năm 2025 với lộ trình cụ thể. Giai đoạn 1 của kế hoạch này sẽ thực hiện trong năm 2020 với nội dung là tập trung rà soát, ban hành và tổ chức quán triệt các văn bản triển khai, đặc biệt tập trung vào những nội dung có tính chuyên sâu.

Đồng thời, hỗ trợ DN nắm bắt thông tin thị trường EU và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối và hỗ trợ DN. Giai đoạn 2, từ năm 2021 – 2025, thực hiện công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ sở, ngành, DN về các nội dung liên quan đến cam kết thương mại tự do; triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, các ngành hàng chủ lực, có thế mạnh của tỉnh; tăng cường hoạt động kết nối DN thông qua hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với DN các nước EU.

 

Một cơ sở chế biến dăm gỗ tại huyện M'Drắk. Ảnh: M.Thông
Một cơ sở chế biến dăm gỗ tại huyện M'Drắk. 
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, với việc thực hiện EVFTA thì giai đoạn 5 năm đầu, GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% và giai đoạn sau sẽ tăng trưởng ở mức cao hơn.

 

Một trong những giải pháp trọng tâm được UBND tỉnh đưa ra là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển; tiếp tục hỗ trợ và kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp chế biến những loại nông sản có thế mạnh của tỉnh như cà phê, tiêu, cây ăn quả; hỗ trợ DN nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của DN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng chính sách thu hút nhân lực trong các ngành kỹ thuật, công nghệ, luật, tài chính; đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối DN, khuyến khích các DN có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với DN trong tỉnh, góp phần hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.