Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ vốn tín dụng chính sách ở huyện Ea Kar

06:46, 09/12/2020

Là một trong những đơn vị dẫn đầu về quy mô và chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ea Kar đã hỗ trợ nhiều hộ dân vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo số liệu của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 3.624 lượt khách hàng được vay vốn, với tổng doanh số 114,3 tỷ đồng, mức vay bình quân 30 – 50 triệu đồng/khách hàng. Cụ thể, một số chương trình có doanh số cao như cho vay cận nghèo: hơn 30 tỷ đồng; hộ nghèo: gần 20,7 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo: 18,9 tỷ đồng; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn: gần 16,8 tỷ đồng… Tuy nhiên, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn cho vay còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) sử dụng vốn chính sách để phát triển chăn nuôi bò.
Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) sử dụng vốn chính sách để phát triển chăn nuôi bò.

Theo ông Phạm Văn Ánh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar, trong năm 2020 người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đơn vị đã chỉ đạo sát sao việc phân vốn, giao chỉ tiêu, đôn đốc thu nợ; thường xuyên làm việc với UBND các xã, thị trấn, hội đoàn thể nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ vay vốn để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Trên địa bàn huyện hiện có 18.116 lượt khách hàng được vay vốn tín dụng chính sách, với tổng dư nợ gần 450 tỷ đồng, tăng gần 30 tỷ đồng so với năm 2019, riêng dư nợ của khách hàng đồng bào dân tộc thiểu số là 146 tỷ đồng, tăng gần 20 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Khách hàng chủ yếu vay vốn cho mục đích chăn nuôi đại gia súc, trồng cam, quýt, cải tạo ruộng vườn. Đồng vốn này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm 3 – 4%/năm.

Trong các ngày giao dịch ở địa bàn, lãnh đạo NHCSXH huyện Ea Kar tham gia giao ban trực tiếp với các xã, thị trấn, hội đoàn thể để hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nhờ đó, quy mô và chất lượng tín dụng trên địa bàn huyện chuyển biến tích cực, hiện nợ quá hạn tại chi nhánh chỉ 353 triệu đồng, chiếm tỷ lệ hơn 0,07%.

Gia đình ông Nguyễn Huy Hoan (thôn Ea Bớt, xã Cư Bông) là một trong những khách hàng quen thuộc của NHCSXH huyện Ea Kar khi đã nhiều lần vay vốn để phát triển sản xuất. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, nhờ vay vốn đầu tư trồng cà phê, lúa, đến năm 2018, gia đình đã thoát nghèo. Hiện ông Hoan còn dư nợ NHCSXH 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi gia cầm. Ông đang có 1.500 con gà, 400 con ngan chuẩn bị xuất chuồng. Dự kiến thu nhập từ đàn gia cầm này sẽ giúp gia đình ông có kinh tế ổn định, thoát nghèo trong năm tới.

Một buổi giao dịch của NHCSXH huyện Ea Kar tại thị trấn Ea Knốp.
Một buổi giao dịch của NHCSXH huyện Ea Kar tại thị trấn Ea Knốp.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (thôn 23, xã Cư Bông), cũng thoát nghèo vào năm 2017 nhờ vay vốn chính sách. Hiện chị đang còn khoản vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với mục đích chăn nuôi hươu, bò thịt. Trang trại chăn nuôi của chị có 5 con hươu lấy nhung và 10 con bò thịt. Đàn gia súc mang lại cho gia đình chị thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Để vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở cũng như các hội, đoàn thể cho vay ủy thác nhằm hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực; nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã và hoạt động của tổ tiết kiệm, tổ vay vốn; tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả gắn với các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương. Đồng thời, chú trọng công tác rà soát, kiểm tra trước, trong và sau cho vay, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.