Ngập lụt, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài
Ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp nhiễu động gió đông trên cao gây mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh những ngày qua đã gây ngập lụt, sạt lở đất tại các địa phương.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, từ 19 giờ ngày 27 đến 30-11, trên địa bàn Đắk Lắk đã có mưa to đến rất to. Mưa lớn đã gây ngập lụt ở nhiều địa phương, nhất là các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông.
Tại huyện Krông Bông, mưa lớn liên tục trên diện rộng không chỉ gây ngập lụt nặng mà còn khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh không nhà vì sạt lở đất.
Ngày 30-11, tại xã Hòa Phong, nhiều khu vực vẫn ngổn ngang, nhiều ngôi nhà thành đống đổ nát, cây cối gãy đổ nằm la liệt. Cán bộ và người dân địa phương đội mưa hỗ trợ các gia đình bị sập nhà do sạt lở đất thu dọn đồ đạc. Chưa hết bàng hoàng về trận lở đất vừa qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (thôn 2, xã Hòa Phong) vừa khóc vừa kể, từ 3 giờ chiều ngày 29-11, thấy đất từ trên núi sau nhà có dấu hiệu lở xuống nên gia đình đã dời đồ đạc qua nhà người bà con gần đó gửi. “9 giờ tối đất đổ xuống ầm ầm, vợ chồng tôi cùng ba đứa con tức tốc chạy ra ngoài, chỉ trong phút chốc, ngôi nhà sập hoàn toàn. Giờ không có chỗ nương thân, trời mưa gió, cả gia đình năm người phải kéo nhau đi ở nhờ nhà dì”, chị Bích sụt sùi nói trong nước mắt.
Các lực lượng chức năng và người dân xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) giúp gia đình có nhà bị sập thu dọn đồ đạc. Ảnh: Lê Thông |
Gia đình chị Ngọc Thị Phượng (thôn 2, xã Hòa Phong) cũng chung cảnh ngộ bị sập nhà. Chị Phượng chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị thấy cảnh sạt lở đất khủng khiếp như vậy. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nên không biết những ngày tới sẽ lấy gì để dựng lại nhà mới. Giờ đây cả gia đình chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương mới mong sớm vượt qua hậu quả thiên tai này.
Nhà không bị sập hoàn toàn nhưng hư hỏng mất hơn một nửa nên gia đình anh Võ Thanh Long (thôn 4, xã Hòa Lễ) cũng phải “rồng rắn” đi ở nhờ. Đứng nhìn ngôi nhà bị sập nguyên căn bếp và phòng ngủ, chỉ còn lại phòng khách, anh Long buồn rầu kể, đây là lần thứ ba nhà anh bị hư hỏng do sạt lở đất và lần nào cũng thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên do gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có đất ở cũng như đất sản xuất nên anh chị không còn cách nào khác là phải tiếp tục bám trụ lại nơi đầy nguy hiểm này.
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Bông, lượng mưa từ ngày 28-11 đến ngày 30-11-2020 phổ biến từ 180 – 320 mm. Đặc biệt tại trạm Hòa Phong: 320 mm, trạm Cư Pui: 250 mm đã khiến mực nước trên sông Krông Bông dâng lên cao, một số địa phương xuất hiện tình trạng sạt lở đất khiến 7 nhà dân bị hư hỏng nặng và 17 nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng phải di dời. Cụ thể: tại xã Hòa Lễ có 3 điểm sạt lở đất tại thôn 3, thôn 4 và thôn 8 làm hư hỏng 3 nhà dân; tại xã Hòa Phong có 1 điểm sạt lở tại thôn 2, khiến 4 nhà dân hư hỏng nặng, trong đó có 3 nhà sập hoàn toàn. Khu vực này đang có nguy sạt lở rộng hơn, vì vậy UBND xã Hòa Lễ và lực lượng chức năng đã kiểm tra và thực hiện di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Ông Lê Minh Phòng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong cho biết, ngay khi có thông tin sạt lở đất trên địa bàn, lãnh đạo xã đã cùng các lực lượng chức năng xuống hiện trường hỗ trợ người dân di dời tài sản và những hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, đồng thời tặng mì ăn liền và nước uống cho các hộ dân bị sập nhà.
Trước tình trạng sạt lở đất, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở tại các thôn 3, 4 và 8 (xã Hòa Lễ), thôn 2 (xã Hòa Phong). Đồng thời, chính quyền đã hỗ trợ tiền và lương thực cho các gia đình có nhà bị sập. Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết huyện đã có kế hoạch thành lập khu giãn dân quy mô 80 hộ tại xã Hòa Lễ để di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đất
Cùng với sạt lở đất, mưa lớn trên diện rộng còn khiến đường tràn thôn Ea Hăn (xã Cư Drăm); tuyến đường thôn Cư Tê đi Ea Rớt (xã Cư Pui); đường vào thôn Ea Khiêm (xã Hòa Phong)… bị ngập. Ngoài ra, gần 300 ha cây trồng các loại trên địa bàn huyện bị ngập, trong đó có nhiều nơi ngập sâu. Hiện nước vẫn dâng cao, UBND huyện đã chỉ đạo các trường nằm trên địa bàn có đường bị ngập cho học sinh nghỉ học. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, không cho người dân qua lại các tuyến đường bị ngập và bố trí lực lượng túc trực hỗ trợ người dân. Địa phương cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực chân núi có nguy cơ sạt lở cao…
Tại huyện M’Drắk, từ 0 giờ 25 ngày 27-11 đến 15 giờ ngày 30-11, lượng mưa đo được là 407,5 mm. Mưa lớn, kéo dài trên diện rộng khiến một số ngầm, cầu tràn bị ngập sâu, gây chia cắt giao thông. Điểm cầu thôn 9 (xã Cư Króa) hư hỏng nặng do ảnh hưởng của bão số 12 vừa qua chưa kịp khắc phục thì tiếp tục bị ảnh hưởng trong đợt mưa này, gây chia cắt giao thông kéo dài, xe cộ chưa thể đi lại. Ngoài ra, có nhiều điểm ngập sâu như: Ngầm buôn M’phao (xã Cư M’ta), cầu tràn tổ dân phố 8 (thị trấn M’Drắk), cầu tràn buôn Um, buôn Ea Tlu, buôn Hoang (xã Krông Jing), ngầm thôn 7, 9 (xã Cư Króa)...
Đường đi buôn Trưng và buôn Hoang (xã Krông Jing, huyện M'Drắk) bị ngập. Ảnh: Khá Nguyệt |
Trong các ngày 28 và 29-11, ngành chức năng huyện M’Drắk đã huy động lực lượng thực hiện di dời 29 hộ dân tại xã Cư San thuộc khu vực Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng đến nơi an toàn (trong đó, thôn 9: 15 hộ, thôn 10: 13 hộ, thôn 11: 1 hộ); đồng thời phân công lực lượng trực gác, cảnh báo dân ở các khu vực xung yếu, đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân. Để kịp thời thực hiện phương án ứng phó, Bí thư Huyện ủy Hồ Duy Thành và Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Thạch đã trực tiếp đến kiểm tra địa bàn và tình hình khắc phục mưa lũ.
Không chỉ gây chia cắt giao thông, mưa lớn đã làm ngập nhiều diện tích ao nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Dự báo thiên tai diễn biến khó lường, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện M’Drắk đã yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, các xã và thị trấn thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, có các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống kênh mương, cơ sở hạ tầng sản xuất; tổ chức trực phòng chống lụt bão, đặc biệt là những vùng trọng điểm có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn, kịp thời thông báo đến người dân, kiên quyết di dời dân tại các khu vực thấp trũng, bị ngập lụt, có nguy cơ xảy ra lũ; thường xuyên kiểm tra, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, trực 24/24, báo cáo kịp thời các trường hợp khẩn cấp.
Tại huyện Ea Kar, mưa lớn cũng gây ngập lụt tại buôn Ea Rớt, Vân Kiều và cô lập 200 hộ (800 khẩu) thuộc thôn 1, 2, 4, 6C, 6E của xã Cư Elang. Về giao thông, có nhiều ngầm, cầu, tuyến đường liên xã trên địa bàn 3 huyện nêu trên bị ngập, xói lở gây chia cắt giao thông. UBND các xã bị ảnh hưởng đã chằng dây cảnh báo không cho người dân qua lại và bố trí lực lượng trực hỗ trợ người dân.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Kar kiểm tra tình hình mưa lũ ở xã Cư Elang. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Hiện mực nước trên các sông suối vùng đầu nguồn và trung tâm tỉnh đang lên. Do đó, cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông, suối nhỏ, ngập lụt tại các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Krông Ana và các vùng lân cận. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 2. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã, thành phố, các lực lượng chức năng khẩn trương nắm bắt, kiểm tra, báo cáo tình hình mưa lũ, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết; tổ chức trực ban phòng chống mưa, bão, lũ, đặc biệt là những vùng trọng yếu có nguy cơ cao. Đồng thời, sẵn sàng, chủ động các phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở; thường xuyên thông báo tình hình mưa, bão, lũ để nhân dân chủ động ứng phó, hạn chế đi lại trong vùng nguy hiểm, ngập lụt để đảm bảo an toàn đến tính mạng…
PV và CTV
Ý kiến bạn đọc