Multimedia Đọc Báo in

"Truyền lửa"cho các startup

06:40, 06/12/2020

Hành trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh trong những năm qua đã tạo được dấu ấn lớn, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên toàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

Mới đây, thành công từ Cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020 đã tiếp thêm lửa nhiệt huyết cho các cá nhân khởi nghiệp (startup) và gây ấn tượng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.

Khởi động từ giữa năm 2020, trong bối cảnh các doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid–19, tuy nhiên qua hơn ba tháng triển khai, cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng với 147 hồ sơ tham dự ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề và đối tượng dự thi, trong đó có những dự án có sản phẩm đã được thương mại hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Qua các vòng thi, những ý tưởng, dự án tham gia đã thể hiện sự hiểu biết, sự tìm tòi học hỏi để đưa sản phẩm của mình tiếp cận với thị trường, đặc biệt là hàm lượng ứng dụng công nghệ và tiếp cận với các phương thức phân phối hàng hóa hiện đại.

Chẳng hạn như các dự án: “Nâng cao giá trị củ nghệ bản địa” của thí sinh Lê Thị Thư (huyện M’Drắk), “Trồng nấm chân dài công nghệ cao” của thí sinh Hồ Thị Huyền Trang (Sở Khoa học và Công nghệ), “Sản xuất, kinh doanh tiêu xanh, tiêu đỏ sấy bằng công nghệ Enzym” của thí sinh Võ Thị Ngọc Ánh (huyện Krông Ana)…

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những dự án chất lượng từ học sinh, sinh viên và các dự án mang tính xã hội cao, đem lại sinh kế, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số như dự án: “Tổ hợp tác xây dựng thương hiệu Bạn của voi” của thí sinh Cao Thị Lý (Trường Đại học Tây Nguyên), “Nghệ thuật tranh giấy xoắn” của thí sinh Lê Thị Mùi (huyện Krông Pắc), “Ống hút từ hạt bơ” của thí sinh Lê Thị Hoàng Phương (Trường TH, THCS, THPT Hoàng Việt), “Nhà may thổ cẩm Ami Sia” của thí sinh H’Ler Êban (huyện Cư Kuin)…

Một số bạn trẻ chọn măng tây làm sản phẩm khởi nghiệp.
Một số bạn trẻ chọn măng tây làm sản phẩm khởi nghiệp.

Mang đến cuộc thi dự án “Nghệ thuật tranh giấy xoắn”, thí sinh Lê Thị Mùi (huyện Krông Pắc) chia sẻ, không chỉ mong muốn được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp mà chị còn hy vọng sẽ tìm được nhà đầu tư để có thể hiện thực hóa ước mơ tạo dựng một cơ sở đào tạo nghề làm tranh giấy xoắn cho người khuyết tật, từng bước đưa sản phẩm của mình ra nhiều thị trường khác nhau. Cuộc thi đã "tiếp lửa" để chị nỗ lực hơn trong hành trình khởi nghiệp của mình.

Đánh giá về cuộc thi năm nay, ông Hoàng Minh Ngọc Hải, cố vấn cao cấp Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) lĩnh vực thương mại, giám khảo Vòng chung kết cuộc thi cho hay, đây là mùa thứ hai ông đóng vai trò là người chấm thi tại Cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk. So với lần đầu tổ chức, các dự án năm nay được đầu tư hơn về chất lượng, đồng thời phong cách trình bày của các thí sinh cũng tự tin và mạch lạc hơn. Đặc biệt, nhiều thí sinh, nhóm thí sinh đã tích lũy, học hỏi được kinh nghiệm từ mùa trước để hoàn thiện tốt hơn dự án của mình.

Thí sinh H’Ler Êban (huyện Cư Kuin) trình bày Dự án “Nhà may thổ cẩm Ami Sia” tại Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020.
Thí sinh H’Ler Êban (huyện Cư Kuin) trình bày Dự án “Nhà may thổ cẩm Ami Sia” tại Vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Nguyễn Tuấn Hà, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh của tỉnh đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp Đắk Lắk phát triển theo chiều sâu. Đặc biệt là việc tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã tạo dấu ấn lớn, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng, có chỗ đứng nhất định trên thị trường khiến chúng ta có quyền tin vào một hệ sinh thái khởi nghiệp trong tương lai gần sẽ hình thành tại Đắk Lắk. Để phát huy những kết quả trên, tỉnh xác định còn rất nhiều mục tiêu để phấn đấu, trong đó quan trọng nhất là phải thắp lên ngọn lửa đam mê, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, không ngại thất bại, khơi dậy tính sáng tạo, sự năng động và dám nghĩ dám làm… của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Với 147 dự án dự thi qua 1 vòng sàng lọc hồ sơ và 2 vòng chấm thi, Ban tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2020 đã trao giải cho 10 dự án xuất sắc nhất, trong đó Giải nhất thuộc về Dự án: “Nâng cao giá trị củ nghệ bản địa” của thí sinh Lê Thị Thư (huyện M’Drắk). Đây sẽ là những “hạt giống" tốt, “những doanh nhân tương lai” của hệ sinh thái Khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.