Hướng phát triển du lịch cộng đồng ở Buôn Ma Thuột
Xác định phát triển du lịch cộng đồng là loại hình thu hút du khách, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, ngành du lịch phối hợp triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ người dân ở các buôn làng phát triển loại hình du lịch này.
Những tháng cuối năm 2020, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức các lớp tập huấn đào tạo kiến thức xây dựng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay (bao gồm nâng cao kỹ năng giao tiếp, marketing, chăm sóc và phục vụ khách du lịch; tổ chức, dàn dựng chương trình văn nghệ dân gian, văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch); bồi dưỡng kỹ năng chế biến món ăn phục vụ khách du lịch; tập huấn du lịch có trách nhiệm với môi trường và văn hóa địa phương… cho người dân có nhu cầu làm du lịch cộng đồng tại các buôn: Ako Dhông (phường Tân Lợi), Tơng Jú (xã Ea Kao), Tuôr (xã Hòa Phú) và buôn Kbu (xã Hòa Khánh) nhằm xây dựng và tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay đặc thù, đạt chất lượng phục vụ khách du lịch.
Du khách tham quan và trải nghiệm lễ kết nghĩa anh em ở buôn Tơng Jú (xã Ea Kao). |
Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh sẽ triển khai mô hình điểm phát triển du lịch cộng đồng kèm theo những chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Êđê tại chỗ ở buôn Tuôr (xã Hòa Phú). Đây sẽ là mô hình mẫu nhân rộng, phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các buôn làng khác trong tỉnh.
|
Nắm bắt được nhu cầu của nhiều du khách muốn tìm về với thiên nhiên ở những buôn làng để trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, ông Y Klêch Kđoh (buôn Kbu, xã Hòa Khánh) đã cùng với con gái tham gia vào chuỗi các lớp tập huấn làm du lịch cộng đồng. Ông cho hay, hiện tại trong buôn Kbu còn trên 20 ngôi nhà dài truyền thống. Riêng gia đình ông còn giữ được ngôi nhà dài truyền thống, bản thân ông biết đánh chiêng, vợ và con gái biết dệt thổ cẩm, nấu rượu cần nên rất muốn tham gia làm du lịch homestay. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình, giải quyết việc làm cho con gái đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm mà trên hết là giúp ông giải tỏa được nỗi lo bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trước thực tế nhiều gia đình trong buôn phá dỡ, bán đi những căn nhà dài để xây nhà bằng bê tông.
Tương tự, hiện nay buôn Tuôr (xã Hòa Phú) còn giữ lại được khá nhiều nét nguyên sơ về văn hóa của người Êđê như: gần 30 ngôi nhà dài truyền thống, các đội nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ dân tộc, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần… Do đó, việc được hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng sẽ là lợi thế và mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân trong buôn.
Một hộ dân ở buôn Tuôr (xã Hòa Phú) còn lưu giữ được ngôi nhà dài truyền thống. |
Được biết, những năm gần đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có một số khu, điểm du lịch cộng đồng được đưa vào phục vụ du khách với sự tham gia của người dân địa phương như: Khu du lịch văn hóa - sinh thái - cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa), Khu du lịch sinh thái Đầu nguồn, buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Suối Ong (phường Khánh Xuân), Du lịch Nông nghiệp Cà phê - Ca cao G20 (xã Ea Tu)…
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tham gia làm mô hình du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay là cơ hội để người dân địa phương bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống đến với du khách, nhất là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường của người dân. Mặt khác, thông qua phát triển loại hình du lịch này sẽ góp phần khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa địa phương phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc