Thu tiền tỷ từ trồng bưởi da xanh và quýt đường
Gia đình ông Nguyễn Văn Liêm, ở thôn 6, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) có 4 ha đất trồng tiêu và cà phê. Nhiều năm cà phê và tiêu mất giá, thu nhập giảm sút khiến cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn.
Một lần đến tỉnh Đồng Nai, ông Liêm được một người bạn dẫn đi tham quan mô hình trồng bưởi da xanh. Nhận thấy cây bưởi có nhiều ưu điểm như ra trái quanh năm, giá cả và đầu ra ổn định, đầu năm 2016, ông quyết định đến miền Tây Nam Bộ - thủ phủ bưởi da xanh - mua 400 gốc bưởi da xanh và phá bỏ 2 ha cà phê để chuyển sang trồng bưởi da xanh theo mô hình chuyên canh. Ông chịu khó nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật để áp dụng vào vườn cây của gia đình. Từ thành công ban đầu, ông Liêm quyết định mở rộng diện tích trồng thêm 500 gốc bưởi da xanh và 300 cây quýt đường. Hiện nay, gia đình ông đã chuyển đổi toàn bộ 4 ha đất sang trồng 900 gốc bưởi da xanh và 300 cây quýt đường. Năm 2019, ông thu hoạch được 40 tấn bưởi, với giá bán bình quân từ 30.000 - 40.000 đồng/kg và 9 tấn quýt đường với giá bán từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi hơn 1 tỷ đồng.
Hội viên nông dân tham quan vườn quýt của gia đình ông Liêm (thứ hai từ trái sang). |
Ông Liêm chia sẻ, để bảo đảm tỷ lệ hoa đậu trái cao đòi hỏi người trồng phải chăm bón rất kỹ từ lúc cây mới ra hoa, thường xuyên vun gốc bón phân, tỉa cành, tỉa trái giúp cây mang lượng trái vừa đủ, đảm bảo sức cho cây phát triển vào vụ sau. Một yếu tố quan trọng là vào giai đoạn ra hoa và đậu trái, cây bưởi cần nhiều nước nên vào mùa nắng, phải thường xuyên tưới, mùa mưa cần tạo rãnh thoát nước, tránh ngập úng. Bưởi da xanh trồng năm thứ ba cho quả bói; bưởi ra trái quanh năm, trung bình mỗi cây cho trên 100 quả, mỗi quả nặng từ 1,2 – 3 kg. Giá bán tại vườn thường ổn định 30.000 – 40.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 60.000 đồng/kg. Dù giá cao nhưng vườn bưởi của ông luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Không chỉ bán trái, ông Liêm còn chiết cành để bán giống. Từ đầu năm 2020 đến nay, ông đã chiết được 8.000 cây giống, bán với giá 50.000 đồng/cây, thu được 400 triệu đồng.
Bà Vương Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Sol cho biết, mô hình chuyển đổi từ hồ tiêu, cà phê sang cây ăn trái của ông Nguyễn Văn Liêm là hướng đi đúng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Toàn xã Ea Sol hiện có 13.927 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 674 ha cây ăn quả. Hiện xã Ea Sol đang tiếp tục vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao..
Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc