Multimedia Đọc Báo in

Đi để trở về...

19:32, 09/02/2021

Tốt nghiệp ngành Tài chính Hải quan năm 2013, nhưng anh Nguyễn Văn Hòa (SN 1992) lại theo đuổi đam mê cà phê.

Đến tháng 5-2020, anh chuyển sang Phòng Lab and Training Vietnam (trực thuộc Specialty Coffee Association - Hiệp hội Cà phê thế giới) và mở văn phòng tại TP. Buôn Ma Thuột để chia sẻ kiến thức, kiểm định chất lượng và đào tạo chuyên sâu về cà phê.

Anh Nguyễn Văn Hòa cho biết: Tìm hiểu để biết, học để thay đổi cách sản xuất, chế biến để tự định hình chất lượng, giá trị của hạt cà phê là việc nông dân có thể làm để kết nối thương mại, sống bền vững với sản phẩm mình làm ra.

Nhớ lại hành trình “du ngoạn” gần 10 năm qua, anh Nguyễn Văn Hòa vẫn luôn tự hào. Sinh ra tại Huế, năm lên 10 tuổi, anh theo gia đình vào TP. Buôn Ma Thuột sinh sống và biết đến cây cà phê. Tiếp xúc từ nhỏ nhưng chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với cây cà phê, bởi cuộc sống của những nông dân trồng cà phê rất vất vả: mùa nắng hạn ngày đêm chạy đua tưới nước; mùa mưa bẻ chồi, làm cỏ, bón phân; mùa thu hoạch tất bật dậy từ sáng sớm đi hái cà phê, mang về để phơi, sơ chế… Suốt một năm trời làm lụng vất vả nhưng giá cả lại bấp bênh, đó là chưa kể những rủi ro xảy ra do thời tiết bất lợi làm mất mùa, ảnh hưởng đến khâu sơ chế sau thu hoạch. Nhưng cũng chính tuổi thơ khó khăn đó đã giúp anh thấu hiểu sự vất vả, khó nhọc của nông dân và những điểm yếu mà người làm cà phê gặp phải.

Anh luôn trăn trở: Làm sao để sản xuất cà phê bền vững? Làm thế nào để cuộc sống của những người làm cà phê tại Việt Nam ổn định?... Vì thế, từ một người học việc, phụ quán cà phê tại Shin Coffee, đến công việc thu mua, quản lý chất lượng cà phê nhân xanh tại Cau Dat Farm Đà Lạt và The Coffee House, anh đã cảm nhận, lắng nghe những cái hít hà, xì xụp khi thử nếm cà phê và “bén duyên” với nghề. Trong vị chua có vị ngọt, trong hương thơm đặc trưng cà phê có những mùi vị khác biệt làm người thử nếm lưu luyến. Do đó, trong thời gian làm việc, anh được học và tiếp cận, sau đó quyết định theo học các khóa đào tạo chuyên sâu trong nước và quốc tế về cà phê.

Cụ thể là năm 2017, anh tham gia khóa đào tạo Q Robusta (người làm công việc thẩm định chất lượng cà phê) của Viện Chất lượng cà phê (Coffee Quality Institute - CQI); hoàn thiện khóa học chứng nhận huấn luyện viên và được Hiệp hội Cà phê Đặc sản (The Specialty Coffee Association - SCA) ủy quyền đào tạo và cấp giấy chứng nhận có thời hạn theo quy định của SCA từ năm 2019 - 2022…

Anh Nguyễn Văn Hòa (bìa trái) tham gia Hội đồng giám khảo Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2020.
Anh Nguyễn Văn Hòa (bìa trái) tham gia Hội đồng giám khảo Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2020.

Mỗi loại cà phê có đặc điểm riêng và phải làm sao để hình thành nên những sản phẩm cà phê chất lượng là câu chuyện dài, đòi hỏi sự kết nối cả cộng đồng. Anh Nguyễn Văn Hòa tâm sự, nâng cao chất lượng cà phê là vấn đề rất lớn, không thể làm nhanh được và bắt buộc phải có sự ủng hộ của cộng đồng làm cà phê.

Hiểu biết hơn về cà phê, sự hình thành và phát triển của hạt cà phê để dần thay đổi từng thói quen từ bón ít phân hóa học, hái chín, phơi đúng thời gian… của mỗi nông dân, mỗi gia đình là rất cần thiết. Kết quả mỗi mùa vụ và cảm nhận của mỗi nông dân sẽ dần thay đổi thói quen của một nhóm nông dân, rồi lan tỏa ra cả cộng đồng. Điều rất thuận lợi là những kiến thức về thử nếm hoặc rang xay cà phê vốn là chuyện “thâm cung bí sử” khó tìm thầy để học nhưng hiện nay, người học lại được quyền lựa chọn.

Cụ thể, nếu nhu cầu vừa học vừa cần chứng chỉ để hành nghề, cải thiện chất lượng, gây dựng và định danh thương hiệu thì học các khóa đào tạo chuyên sâu về chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến cà phê đặc sản, pha chế cà phê… Còn học vì muốn biết, muốn tìm hiểu về cà phê có thể tham gia các buổi chia sẻ kiến thức miễn phí về cà phê với những chủ đề thường thấy như: các loại cà phê đặc sản thế giới, sản xuất cà phê đặc sản, chế biến cà phê chất lượng cao, thử nếm cà phê...

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.