Kỳ vọng từ những dự án nghìn tỷ
Những dự án nghìn tỷ với nhiều triển vọng được xem là điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Thu hút “ông lớn”
Trong những năm qua, Đắk Lắk đã thu hút được nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn, tổng công ty lớn có uy tín và tiềm lực về kinh tế. Nhiều dự án lớn được triển khai đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiêu biểu là Cụm Dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 2.000 MW. Giai đoạn I của dự án có công suất 600 MW, tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng đã đóng điện thành công vào ngày 15-11-2020.
Đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành thăm trạm biến áp 500 kV/1200 MVA của Cụm Dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp. |
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuân Thiện, đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới, bao gồm 22,2 km đường dây 500 kV và trạm biến áp 500 kV/1200 MVA. Dự án sử dụng công nghệ, thiết bị được nhập khẩu từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Khi nhà máy điện của cụm dự án đi vào hoạt động, mỗi năm đóng góp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Ngay đầu năm 2021, Tập đoàn Xuân Thiện sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn II với 1.400 MW điện mặt trời và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, cung cấp khoảng 5 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh thu hút 318 dự án đầu tư, với số tổng vốn đăng ký 30.880 tỷ đồng. Trong đó có 96 dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng số vốn trên 7.500 tỷ đồng; 222 dự án đầu tư đang thực hiện thủ tục hoặc đang trong quá trình triển khai.
|
Không chỉ đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, trong thời gian tới Tập đoàn Xuân Thiện còn tiếp tục thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến dự án lớn đã đề xuất khảo sát và thực hiện đầu tư như Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao quy mô lớn tại huyện Ea Súp, M’Đrắk và Cư M’gar với mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Khi những dự án nghìn tỷ này hoàn thiện và đi vào hoạt động sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là đối với hai ngành kinh tế mũi nhọn là nông và công nghiệp.
Phát triển nhà ở đô thị
Phát triển đô thị là một trong những lĩnh vực trọng điểm mà tỉnh đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư. Theo Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án phát triển nhà do các thành phần kinh tế đầu tư với quy mô sử dụng đất khoảng 124 ha, trong đó có 5 dự án đang triển khai xây dựng hạ tầng đô thị với tổng mức đầu tư 5.421 tỷ đồng (gấp hơn 10 lần so với giai đoạn 2010 - 2015). Một số dự án nhà ở trọng điểm đã khởi công bước đầu hình thành các khu đô thị có đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phù hợp cảnh quan, kiến trúc và môi trường đô thị theo quy hoạch xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong số đó, Dự án Khu đô thị sinh thái - văn hóa cà phê Suối Xanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, với tổng mức đầu tư gần 2.800 tỷ đồng có thể xem là điểm nhấn. Dự án có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp kiến trúc hàng đầu thế giới và Việt Nam. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị đã cơ bản hoàn tất, Bảo tàng thế giới cà phê đã đi vào hoạt động hiệu quả và trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục xây dựng khu công viên văn hóa, du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng và các công trình khác… Khi hoàn thành, đô thị này sẽ là thành phố xanh kiểu mẫu, trên nền tảng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa bản địa, tiếp thu và lựa chọn những tinh hoa của thế giới.
Khu đô thị Ecocity Premia (km 7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đang từng bước hoàn thiện. |
Một dự án nhà ở đô thị trọng điểm nữa được khởi công cuối năm 2019 là Khu đô thị Ecocity Premia (km 7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) do Tập đoàn Capital House làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng với diện tích gần 50 ha. Khu đô thị được kỳ vọng sẽ tạo kiến trúc cảnh quan đẹp cho khu vực, đồng thời thu hút các nhà đầu tư để phát triển đô thị phía Bắc đường vành đai phía Tây, TP. Buôn Ma Thuột.
Có thể nói, để có được những dự án nghìn tỷ trên, đó là thành quả của quá trình nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức kêu gọi đầu tư... của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh dự kiến bổ sung 17 dự án nhà ở đô thị vào Chương trình phát triển nhà ở. Đây chính là cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức kêu gọi đầu tư dự án theo Luật Đầu tư.
Lê Lan
Ý kiến bạn đọc