Multimedia Đọc Báo in

Sức mua những ngày cận Tết còn thấp

17:26, 05/02/2021

Dù sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu cải thiện, tăng so với ngày thường nhưng nhìn chung vẫn còn rất yếu so với mọi năm.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, sức mua đang tăng cao gấp 2 - 4 lần so với ngày thường. Nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi sâu triển khai dịp này càng kích cầu sức mua trên thị trường. Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, từ ngày 18 tháng Chạp trở đi, sức mua đang được đẩy lên. Mỗi ngày, có ba xe cung ứng hàng hóa về siêu thị để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Sức mua tập trung vào các nhãn hàng có chạy khuyến mãi. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, sức mua dù có tăng, nhưng vẫn yếu hơn so với mọi năm.

Trái ngược với không khí mua sắm nhộn nhịp ở hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, sức mua sụt giảm mạnh so với những năm trước. Sau ngày 15 tháp Chạp được coi là mùa cao điểm sắm Tết ở chợ, song năm nay, hiện đã là ngày 24 âm lịch nhưng người đến chợ mua hàng vẫn không đông như mọi khi. Hàng hóa bày nhiều trên kệ nhưng vẫn trong tình trạng thưa thớt người mua. Chị Dương Thị Hà, kinh doanh quầy thịt tại khu B, chợ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar cho hay, mọi năm vào tầm này, mỗi ngày chị nhập về 2 tạ thịt bán đến trưa là hết, thì nay ngồi cả ngày cũng chưa bán hết 70 kg thịt heo.

Tại chợ thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) tình hình cũng không cải thiện hơn. Chị Châu Thị Lộc, kinh doanh quần áo tại chợ thị trấn Phước An than thở, không giống như mọi năm, năm nay ngành hàng may mặc đón khách trễ hơn và chủ yếu bán cho một vài khách quen chứ không có được nhiều khách chọn mua. Tết đang cận kề mà có ngày, cả buổi chị chỉ bán được 2 - 3 món đồ, tiền thu về chưa đến 200 ngàn đồng. Sức mua của người tiêu dùng cũng đã giảm đến 40 - 50% so với những năm trước.

Khách đến mua sắm pơ
Khách đến mua sắm Tết ở chợ thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) không nhộn nhịp bằng mọi năm

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Thủy, chủ sạp hàng bánh kẹo gần đó chia sẻ, người tiêu dùng đang cắt giảm mạnh các nhu cầu tiêu dùng dịp Tết, kể cả hàng thiết yếu. Hàng hóa bán Tết được chị tích trữ và bày bán nhiều mẫu mã, đặc biệt là các loại bánh kẹo, mứt. Chị cố gắng bố trí quầy hàng đẹp mắt, không hét giá, mời chào khách dùng thử… nhưng sức mua lại rất yếu. Theo chị, giá cả hàng hóa năm nay được giữ khá ổn định, song người mua không mua nhiều. Chợ chỉ đông vui một chút vào buổi sáng.

Nhiều tiểu thương nhận định, sức mua trên thị trường vẫn đang còn rất yếu. Phần vì ảnh hưởng của dịch bệnh, phần vì chợ đang phải chia sẻ khách hàng với hệ thống siêu thị, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do người dân không mạnh tay sắm Tết. Nhóm hàng được chọn trọng tâm vẫn là thực phẩm nhưng giá trị đơn hàng mỗi khách mua cũng sụt giảm mạnh.

Đoàn công tác do Sở Công thương chủ trì khảo sát thị trường hàng Tết Tân Sửu tại chợ Phước An (huyện Krông Pắc)
Đoàn công tác do Sở Công thương chủ trì khảo sát thị trường hàng Tết Tân Sửu tại chợ thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc)

Tình hình kinh doanh ở chợ năm nay gặp khó, lượng hàng tiêu thụ rất ít so với mọi năm khiến tiểu thương không khỏi lo lắng vì sợ ế hàng. Theo chị Châu Thị Lộc, mọi năm, giờ này chọ đã bán hết 2/3 lượng hàng nhập về, còn năm nay, hàng vẫn còn rất nhiều trong kho. Quần áo thời trang mà không bán được, qua đợt coi như thua lỗ. Điều này cũng khiến tiểu thương đang gặp khó khăn trong việc xoay xở tiền hàng, phí thuê mặt bằng… 

Tiểu thương ở chợ kỳ vọng việc buôn bán sẽ được cải thiện, tình hình dịch Covid-19 không bùng phát thêm nữa để người dân yên tâm sắm Tết, tiểu thương cũng vẫn gắng gượng gắn bó với chợ, với nghề.

Theo đánh gía của Sở Công thương, qua khảo sát thị trường, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm Tết năm nay tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh được tiểu thương chuẩn bị dồi dào, có lượng dự trữ thấp hơn mọi năm vì e dè sức mua thấp. Đến hiện tại, mãi lực kinh doanh ở các chợ truyền thống vẫn đang còn yếu.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.