Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế

17:37, 05/02/2021

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý nợ, ngành thuế đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nợ đọng, nhất là những khoản nợ kéo dài khó thu hồi, phấn đấu không để nợ thuế vượt quá 5% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, năm 2020, toàn ngành đã thu nợ, xử lý nợ được 2.036,8 tỷ đồng, vượt 81,5 tỷ đồng (tương ứng 6,8%) so với chỉ tiêu thu nợ mà Ban Chỉ đạo đôn đốc thu thuế và chống thất thu NSNN (Ban Chỉ đạo 1394) giao, tăng 205,7% so với kết quả thực hiện năm 2019. Trong đó thu nợ cũ 122 tỷ đồng, thu nợ phát sinh 441,4 tỷ đồng, thu nợ của 3 dự án bất động sản 1.159,8 tỷ đồng, thu và xử lý nợ liên quan đến đất đai của hộ gia đình 313,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngành Thuế cũng phân loại nợ, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ nợ khó thu để xử lý khoanh nợ, đề xuất xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14. Cụ thể là khoanh nợ đối với 8.893 trường nợp nợ thuế, với số tiền gần 306 tỷ đồng, vượt 152% chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao; tham mưu cho UBND tỉnh và Tổng cục Thuế xóa nợ cho 3.958 đối tượng nợ thuế không còn khả năng thu với số tiền 193,7 tỷ đồng, vượt 60% chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao.

Cán bộ ngành thuế kiểm tra hóa đơn, chứng từ tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc
Cán bộ ngành thuế kiểm tra hóa đơn, chứng từ tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Pắc

Để có kết quả trên, ngành thuế đã phối hợp với các ngành, địa phương triển khai công tác rà soát, quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế. Trong năm 2020, toàn ngành ban hành 3.477 quyết định cưỡng chế nợ thuế, với tổng số tiền 225,4 tỷ đồng, thu được sau cưỡng chế 75,6 tỷ đồng; công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng 4.095 lượt trường hợp nợ thuế, với tổng số tiền là 755,2 tỷ đồng, thu được sau công khai 133,5 tỷ đồng. Thành lập và triển khai có hiệu quả hoạt động của hai tổ đôn đốc xử lý nợ tiền thuê đất của các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, nợ xây dựng cơ bản thuộc trường hợp không tính tiền chậm nộp và nợ tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản. Qua đó thu được 9,9 tỷ đồng tiền nợ của các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp; theo dõi, đôn đốc thu nợ xây dựng cơ bản thuộc trường hợp không tính tiền chậm nộp 93,3 tỷ đồng; thu nợ tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản là 1.159,8 tỷ đồng (trong đó tiền chậm nộp 98,4 tỷ đồng, tiền sử dụng đất là 1.061,4 tỷ đồng).

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn cho biết, quyết liệt triển khai công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng tiền thuế với nhiều giải pháp từ nhắc nhở, đôn đốc, đến cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật đã góp phần tăng thu, bù hụt thu NSNN năm 2020. Nhờ đó, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 khiến nguồn thu NSNN bị hụt, nhưng tổng thu NSNN nội địa năm 2020 vẫn đạt 7.871 tỷ đồng, bằng 127,4% dự toán Trung ương giao, 94,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 8,4% so với kết quả thực hiện năm 2019.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nợ trên địa bàn, hạn chế tối đa phát sinh nợ thuế mới, UBND tỉnh vừa có Quyết định số 02/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án tăng cường công tác quản lý nợ, cưỡng chế nợ thuế tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, các sở, ngành cần phối hợp với cơ quan thuế trong việc thực hiện các biện pháp, giải pháp thu nợ, xử lý nợ thuế trên địa bàn tỉnh. Những khoản nợ thuế dưới 90 ngày thì cơ quan thuế các cấp đôn đốc thu nợ theo đúng quy định; nợ trên 90 ngày thì thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế gồm: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký hợp tác xã, đăng ký đầu tư, giấy phép hành nghề… Các khoản nợ đặc thù như nợ tiền thuê đất thì phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiến hành rà soát, xử lý theo quy định. Riêng nợ tiền thuê đất và tiền chậm nộp của các công ty nông lâm nghiệp thì làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để đôn đốc nộp tiền thuê đất và tiền chậm nộp; thường xuyên nắm bắt thông tin và phối hợp với Sở Tài chính, UBND các cấp, Ban đổi mới doanh nghiệp của tỉnh và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xây dựng phương án xử lý tài chính khi thực hiện cổ phần hóa, giải thể. Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh, Công an, Tòa án, UBND các cấp trong việc hoàn thiện hồ sơ khoanh nợ, xóa nợ chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra rủi ro gây thiệt hại cho NSNN. Sở Tài Nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế trong việc tham mưu cho UBND tỉnh xử lý các vướng mắc liên quan đến chính sách đất đai, thu hồi đất đối với các doanh nghiệp đang nợ tiền thuê đất mà cơ quan thuế đã thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ thuế nhưng chưa thu hồi được nợ…          

Tổng số nợ thuế tại thời điểm 31-12-2020 là 485 tỷ đồng, giảm 443 tỷ đồng so với 31-12-2019, vượt 41% so với chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao, trong đó nợ có khả năng thu là 265 tỷ đồng, nợ khó thu 219 tỷ đồng.


Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.