Buôn Ma Thuột - "cánh cửa" kết nối Tây Nguyên
Một lần tình cờ tham gia vào một nhóm bạn trẻ “Yêu Đà Lạt”, tôi hỏi thử xem đã có bạn nào đến TP. Buôn Ma Thuột.
Trả lời của các bạn là chưa lần nào. Khi biết khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh đến Buôn Ma Thuột cũng tương đương Đà Lạt, các bạn rất bất ngờ. Và khi biết thêm, TP. Buôn Ma Thuột là cửa ngõ quan trọng vào Tây Nguyên, các bạn thật sự ngạc nhiên, thú nhận không hề nghĩ như vậy. Điều ấy cho thấy, thực sự có một khoảng cách thông tin đã tồn tại với nhiều người, nhất là các bạn trẻ, về một Tây Nguyên “khác” Đà Lạt, nhìn từ Buôn Ma Thuột.
Cần hiểu về một “Tây Nguyên khác”?
Câu chuyện xảy ra ngay gian hàng giới thiệu các thổ sản Tây Nguyên tại Triển lãm Hội chợ du lịch Hà Nội diễn ra vào tháng 11-2020. Trong vai một du khách, tôi bắt chuyện với các cô gái đang đứng trực gian hàng Buôn Ma Thuột, hỏi về ấn tượng với thành phố này. Một cách thật thà, cả ba cô gái đều cho biết chưa đến Buôn Ma Thuột. Nhắc đến Tây Nguyên, họ nghĩ ngay đến là Đà Lạt, thành phố ngàn hoa, thành phố thi ca lãng mạn.
Với nhóm bạn “Yêu Đà Lạt” cũng thế. Hầu hết họ sinh ra ở TP. Hồ Chí Minh, nghe nói đến Tây Nguyên lập tức nhắc ngay không gian Đà Lạt. Có thể nói, quan niệm của các bạn trẻ về Tây Nguyên chỉ là vùng đất có cảnh đẹp, trái cây ngon và hoa tươi, một “Tây Nguyên” lãng mạn và thích hợp để đi chơi, tận hưởng những cảm giác hạnh phúc, khung trời mơ mộng.
TP. Buôn Ma Thuột có hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia |
Anh H.Đ, một người nghiên cứu văn hóa gốc Quảng Nam đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, rất nhiều năm qua, nhiều người ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh nhắc đến Tây Nguyên chỉ qua “lăng kính” Đà Lạt. Cho nên, khi đặt ra so sánh giữa hai thành phố cao nguyên, họ sẽ bất ngờ. Thậm chí có bạn trẻ không thích so sánh Đà Lạt với bất kỳ thành phố nào. “Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày nay, cách hiểu đó là phiến diện, cần thay đổi. Người ta không nên chỉ nghĩ đến một Tây Nguyên là điểm hẹn hò lãng mạn thơ ca, thuần túy du lịch theo góc nhìn Đà Lạt nữa. Cần nhìn Tây Nguyên bằng thực thể kinh tế, thương mại đầu tư, phát triển sản xuất… Mà đã vậy, người ta sẽ hiểu ra TP. Buôn Ma Thuột là cánh cửa Tây Nguyên, không chỉ vì thành phố này đông dân nhất cao nguyên, mà còn vì có nhiều lợi thế khác. Đầu tư vào Đà Lạt, là hướng đến dịch vụ du lịch, bất động sản du lịch, dịch vụ văn hóa. Đầu tư vào Buôn Ma Thuột thì khác, có rất nhiều lựa chọn kinh tế và đầu tư đầy lợi thế ở thành phố này”- anh H.Đ nói.
Hãy khai thác “bàn tay xòe”!
Nhìn vào bản đồ thực địa, người ta sẽ lập tức nhận ra, từ Đà Lạt tỏa ra, cốt yếu có hai trục chính, là Quốc lộ 20 nối xuống Đồng Nai để đi về TP. Hồ Chí Minh (cách xa 306 km), nối ra Phan Rang, Phan Thiết; và Quốc lộ 27C nối với Nha Trang. Còn từ TP. Buôn Ma Thuột, có 5 trục lớn tỏa đi, gồm Quốc lộ 14 nối Kon Tum, Đà Nẵng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh (cách xa 322,8 km); Quốc lộ 26 đi về Khánh Hòa, tương lai sẽ có thêm đường cao tốc; Quốc lộ 27 đi Đà Lạt (cách 193 km); Quốc lộ 29 nối về Phú Yên; và Quốc lộ 14C nối với Gia Lai, Đắk Nông. Có thể nói, các nhánh đường bộ Buôn Ma Thuột tỏa ra như một “bàn tay xòe”, rất thuận tiện đi về duyên hải miền Trung mà cũng nhanh chóng xuôi về TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ.
Về khí hậu, thổ nhưỡng, Buôn Ma Thuột là nơi tụ hội của tất cả các loại thổ sản đặc trưng Tây Nguyên, với những trang trại rộng lớn và năng lực khai thác hàng hóa mạnh mẽ quanh năm. TP. Buôn Ma Thuột có khí hậu không quá lạnh như Đà Lạt, không nhiều mưa như Pleiku… Vị trí then chốt của thành phố cửa ngõ này cũng đã được chứng minh trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, với chiến dịch thần tốc mở ra ở Buôn Ma Thuột đã quyết định toàn cục diện trong Chiến dịch Xuân 1975. Cho nên, không ít nhà đầu tư đang định hướng về Đắk Lắk tổ chức các dự án kinh doanh đều dựa vào lợi thế “bàn tay xòe” mà Buôn Ma Thuột có được, chỉ cần xây dựng tốt một sách lược logicstics là có thể bình tĩnh sắp đặt đầu tư.
Gian hàng giới thiệu nông sản Tây Nguyên tại Hội chợ Triển lãm du lịch Hà Nội tháng 11-2020. |
Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Café G20 (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, tất nhiên còn rất nhiều thách thức để nghĩ đến một thành phố thủ phủ cà phê và hàng hóa Tây Nguyên mạnh mẽ từ Buôn Ma Thuột. Nhưng những lợi thế mà thành phố này có được là rất rõ ràng. Để hút được nguồn lực đầu tư xã hội, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung, cần phải tập trung đúng vào những lợi thế, là giao thương hàng hóa, đầu tư nông sản và phát triển văn hóa du lịch vùng cao nguyên với bản sắc đa diện, đa dạng các dân tộc anh em. Cần khai thác tốt “bàn tay xòe”, truyền thông thực thụ về hình ảnh Buôn Ma Thuột không ngừng đổi mới, hiện đại, ngày càng tụ hội nhiều đô thị trẻ trong lòng thành phố này. Tất cả đòi hỏi một chiến lược rất lớn, đồng bộ và hữu hiệu, của cả chính quyền, cộng đồng các doanh nghiệp và người dân địa phương mới có thể làm được điều đó. Như Buôn Ma Thuột đã từng làm, ở một ngày tháng Ba lịch sử anh hùng.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc