Chưa hết nỗi lo thực phẩm "bẩn"
Thực phẩm "bẩn", không bảo đảm chất lượng đang là mối lo của người tiêu dùng. Đặc biệt là khi cơ quan chức năng của tỉnh liên tục kiểm tra và phát hiện nhiều vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng được bày bán ngang nhiên trên thị trường.
Vi phạm hàng loạt
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Tiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho hay, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) của tỉnh thực hiện kiểm tra, lấy mẫu tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã phát hiện có nhiều lỗi vi phạm mà các cơ sở mắc phải. Cụ thể như một số loại hàng hóa hết hạn sử dụng vẫn được bày bán; thực phẩm vi phạm nhãn hàng hóa, chất lượng sản phẩm, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Dù thực tế các hộ kinh doanh đều ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP, nhưng không phải hộ nào cũng chấp hành nghiêm.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc bày bán thực phẩm tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Đặc biệt đối với các cơ sở chế biến thực phẩm, trong quá trình kiểm tra đã phát hiện có những lỗi vi phạm không đáp ứng những quy định về ATTP. Cụ thể, nhiều cơ sở vi phạm về điều kiện bảo đảm kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến như bảo quản thực phẩm không đúng nơi quy định; chưa bảo đảm vệ sinh khi nền nhà còn ẩm ướt; dụng cụ đựng thực phẩm còn bị các lớp mỡ dầy kết dính lâu ngày, nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh về đường ruột khi sử dụng; nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm không được khám sức khỏe định kỳ, không đeo bao tay khi chế biến thực phẩm…
Theo bác sĩ Tiết, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn kiểm tra đã lấy 129 mẫu thực phẩm ngẫu nhiên tại các địa điểm như cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh nhỏ đối với các mặt hàng như giò chả, bánh kẹo, rượu, cà phê… để kiểm nghiệm, test nhanh. Kết quả, có 6 mẫu không đạt. Trong đó, đáng chú ý, có tới 3 mẫu cà phê bột được tiêu thụ có hàm lượng caffeine rất thấp (chiếm 0,27%), đặc biệt có mẫu hoàn toàn không chứa caffeine. Mẫu cà phê không chứa caffeine này được lấy ngẫu nhiên tại một cửa hàng kinh doanh tạp hóa ở thị trấn M’Drắk (huyện M’Drắk), do một cơ sở chế biến cà phê ở huyện Ea Kar sản xuất. Điều đáng nói hơn là nhãn mác bao bì sản phẩm này lại ghi “cà phê chồn Buôn Mê”, giá bán đến tay người tiêu dùng rất rẻ, chỉ 60.000 đồng/kg nhưng thực chất hoàn toàn không hề có chứa caffeine. Đây là thông tin gây sốc cho người tiêu dùng, nhất là những người thích uống cà phê.
Cũng trong đợt kiểm tra hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk tiến hành kiểm tra độc lập và phát hiện, xử lý 60 cơ sở với 70 hành vi vi phạm. Cơ quan này đã tịch thu hàng hóa trị giá gần 90 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 366 triệu đồng. Trong số hàng hóa tịch thu, buộc tiêu hủy có 46 kg thịt heo và 1.625 kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý
Các hành vi buôn bán thực phẩm không nguồn gốc, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng như đã công bố trên bao bì... gây ra nhiều nguy hại đối với sức khỏe người dùng. Trong khi hằng ngày thực phẩm "bẩn" vẫn còn tràn lan trên thị trường.
Vấn nạn này, trước hết phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng quản lý lĩnh vực này. Theo bác sĩ Tiết, bên cạnh những đơn vị, địa phương tích cực chấn chỉnh, đưa quản lý ATTP vào nền nếp thì có nhiều nơi chưa làm tốt. Nguyên nhân là do cán bộ phụ trách ATTP cấp huyện, xã còn thiếu chuyên môn, chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ công tác. Hơn nữa, việc phân cấp quản lý ATTP cho ba ngành (công thương, y tế và nông nghiệp) bị dàn trải, khó thực hiện dẫn đến một số đối tượng bị bỏ sót, hiệu quả quản lý chưa cao. Thêm vào đó, sự phối hợp trong kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng có đôi lúc chưa đồng bộ, thống nhất.
Trong dịp Tết vừa qua, các đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiểm tra 1.290 cơ sở, phát hiện vi phạm và nhắc nhở 156 cơ sở; xử lý 21 cơ sở và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính gần 60 triệu đồng. |
Hiện toàn tỉnh có 14.332 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Phần lớn đều có quy mô nhỏ, hộ gia đình nên nhận thức chấp hành pháp luật về ATTP chưa cao. Vì quy mô nhỏ nên có mặt bằng sản xuất, chế biến chật hẹp, việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng theo quy định về ATTP khó được thực hiện. Do đó, vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, giá rẻ để chế biến thực phẩm… Thực tế trên đòi hỏi công tác kiểm tra, kiểm soát cần được cơ quan chức năng trên địa bàn “siết chặt” và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong các đợt kiểm tra, kiểm soát, Chi cục chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh. Cùng với đó, đơn vị cũng công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân bị xử lý về ATTP nhằm cảnh báo răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiết, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, bản thân mỗi người tiêu dùng cũng cần tỏ thái độ kiên quyết với hành vi bày bán kinh doanh thực phẩm sai phạm, nói không với thực phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không dễ dãi trong quá trình chọn mua thực phẩm.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc