Khan hiếm container, doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh gặp khó
Từ đầu năm đến nay, vận tải xuất khẩu thiếu container rỗng từ các hãng tàu khiến chi phí và doanh thu của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ba tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh chỉ thực hiện được 95 triệu USD, bằng 14,6% kế hoạch năm và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2020.
“Đội giá” vận chuyển
Một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu giảm sâu là do DN gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển, hàng hóa bị ách tắc vì thiếu container rỗng để đóng hàng. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái (Khu Công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, DN xuất khẩu không bị rơi vào tình trạng khan hiếm đơn hàng trong ba tháng đầu năm, nhưng lại chịu nhiều tác động từ yếu tố khách quan, đó là đối mặt với khó khăn do “tắc” đầu ra ở khâu vận chuyển. Tình trạng thiếu container, thiếu tàu chở hàng và cước vận tải tăng vọt khiến chi phí xuất khẩu tăng lên đáng kể. Đặc biệt, cước vận tải đi các nước thuộc khu vực Đông Nam Á đã tăng lên 25 - 40%, cước tàu đi Mỹ tăng 200%, các tuyến đi châu Âu tăng gấp ba lần so với trước.
Khó khăn do vấn đề logictics khiến hàng hóa phải chờ lâu hơn, thời gian bảo quản, chờ tàu cập cảng đến, quá trình thông thương bị chậm lại, lượng hàng tồn kho tăng lên làm DN xuất khẩu rơi vào thế khó. Theo ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, việc thiếu hụt container rỗng vận chuyển khiến hoạt động giao nhận hàng bị chậm lại từ 7 - 10 ngày. DN phải trả chi phí vận chuyển tăng lên, cước tàu từ các nước châu Á đi qua thị trường Mỹ, các nước châu Âu đã tăng 4 - 6 lần.
Kiểm tra cà phê đã qua chế biến xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái. |
Hàng hóa chậm lưu thông khiến ba tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk giảm 10%, tiêu hạt giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái, lượng xuất khẩu từ đầu năm đến nay cũng sụt giảm hơn 10%.
|
Nhiều DN cho biết, tình trạng này xảy ra từ hồi tháng 10-2020 và đến nay vẫn chưa được cải thiện. Giá thuê container thay đổi từng ngày. DN bị "đội" chi phí hoạt động, chậm trễ trong giao nhận hàng. Trong khi đó, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng hàng từ châu Á xuất qua Mỹ nhiều, đơn hàng và thị trường có nhiều tín hiệu lạc quan. Hàng từ trong nước xuất đi đã sẵn sàng, người mua cũng cần hàng nhưng không có container rỗng, bắt buộc việc luân chuyển hàng hóa phải chậm lại. Ông Lê Đức Huy chia sẻ: “Do không đáp ứng kịp yêu cầu vận chuyển nên việc giao hàng bị gián đoạn. Các hợp đồng với đối tác bị ảnh hưởng về thời gian giao nhận hàng hóa. Thậm chí, có những đơn hàng từ quý I buộc phải thương lượng giao hàng trong quý III. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu năm 2021 của DN”.
Phát sinh thêm nhiều chi phí khác
Giá cước vận chuyển xuất khẩu cao gấp nhiều lần so với trước đây, container rỗng không đủ khiến DN phát sinh thêm nhiều chi phí khác. Theo tính toán của các DN xuất khẩu, do chưa nhận được container tại điểm tập kết nên DN rơi vào cảnh tồn hàng ở cảng, kéo theo chi phí lưu kho, lưu bãi đội lên đến 10% giá trị lô hàng. Theo ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái, ngoài việc phải trả phí thuê container cao, do thời gian chờ tàu lâu nên DN phải thuê các kho, bãi để chứa hàng dài ngày nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa không bị suy giảm trước khi giao cho đối tác. Trong khi đó, đặc thù của nông sản xuất khẩu là có trọng lượng lớn, điều này khiến chi phí DN bị “đội’ lên nhiều lần so với những tháng bình thường.
Theo nhận định của nhiều DN, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng kéo dài. Thêm vào đó, các nước nhập khẩu thiếu nhân công xử lý, tháo dỡ hàng hóa tại cảng, lượng hàng không lưu thông liên tục được. Do đó, tình hình thiếu container có thể sẽ còn kéo dài trong bối cảnh hiện nay. Thực trạng này đặt ra rào cản trong phục hồi sản xuất đối với DN xuất khẩu.
Đóng gói hàng hóa, bảo quản trong kho lạnh trước khi xuất đi tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. |
Để ứng phó với tình trạng trên, trước mắt các DN xuất khẩu tổ chức đàm phán với bên mua, cùng chia sẻ chi phí vận chuyển xuất khẩu; nhận đơn hàng trong thời gian ngắn hạn để tránh rủi ro; giãn tiến độ giao hàng; chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB (giá giao hàng tại cảng xuất) thay vì chịu chi phí giao hàng tận nơi như trước đây… Đồng thời, việc thiếu hụt container và tăng giá cước vận chuyển như hiện tại cũng khiến DN của Đắk Lắk quan tâm hơn và tính toán đến vấn đề đầu tư chế biến sâu để giảm trọng lượng xuất đi. Hàng hóa được chế biến tinh gọn góp phần giảm thiểu đáng kể chi phí vận chuyển.
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương, trong quý I năm 2021, nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh xuất đi gặp ách tắc trong vấn đề giao hàng. Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do một số nước vẫn chưa khống chế được dịch Covid-19. Sở tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển. Trong đó, tích cực đẩy mạnh các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử cho DN. Đồng thời, làm việc với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Sở Công thương các tỉnh dọc theo biên giới phía Bắc, cung cấp thông tin về tình hình biên mậu để DN của tỉnh được biết, nắm bắt và có kế hoạch chủ động nguồn hàng, tránh gây thiệt hại cho DN. Mặt khác, Sở cũng chủ động liên hệ với các DN ở khu vực cửa khẩu, sẵn sàng hỗ trợ cho DN Đắk Lắk thuê, mượn kho và hỗ trợ bốc vác trong trường hợp xảy ra tình trạng ách tắc ở khu vực biên mậu.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc