Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui từ thu hút đầu tư

08:14, 30/04/2021

Thực hiện mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Đắk Lắk đã và đang mời gọi nhà đầu tư với nhiều chính sách tích cực, hiệu quả.

Tạo môi trường cởi mở

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua việc thực hiện đầy đủ, nhất quán, đúng quy định các chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động. Tỉnh đã công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quan tâm và có nhu cầu đầu tư tại Đắk Lắk và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi tham gia đầu tư tại tỉnh, nhà đầu tư sẽ được hưởng mức ưu đãi đầu tư cao hơn so với nhiều địa phương khác. TP. Buôn Ma Thuột là địa bàn ưu đãi đầu tư, các huyện, thị xã thuộc địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư. Theo đó nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của Chính phủ. Ngoài những chính sách ưu đãi của Trung ương, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh, cụ thể khi đầu tư vào lĩnh vực xã hội hóa, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 70% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với dự án tại các phường thuộc TP. Buôn Ma Thuột; miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm 85% tiền thuê đất trong thời gian còn lại đối với đất tại các xã thuộc TP. Buôn Ma Thuột; miễn 100% đối với các địa bàn khác.

Khu đô thị Ecocity Premia (km 7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) do Tập đoàn Capital House đầu tư đang từng bước hoàn thiện.
Khu đô thị Ecocity Premia (km 7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) do Tập đoàn Capital House đầu tư đang từng bước hoàn thiện.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ các doanh nghiệp, triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhờ đó, chỉ số PCI 2020 tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 35/63 tỉnh thành; đạt 63,22 điểm, tăng 3 bậc so với năm 2019, đứng thứ hai khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” tại các sở, ban ngành ngày càng được nâng cao đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án được quyết định chủ trương đầu tư. Cùng với các chương trình xúc tiến, những nỗ lực trên không chỉ tạo được ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mà còn khẳng định quan điểm và tầm nhìn phát triển bền vững của địa phương thông qua các chính sách cởi mở, môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hứa hẹn mang lại triển vọng khả quan.

“Đắk Lắk luôn trải thảm đỏ để đón các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh và sẽ tìm hướng tháo gỡ chính sách, cơ chế, điểm nghẽn trong hạ tầng giao thông; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; phát triển Chính phủ điện tử nhằm giúp các doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, tiếp tục lớn mạnh để đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của địa phương”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường

Bên cạnh các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Đắk Lắk đang được ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại với hệ thống đường bộ, đường sắt và hàng không. Trong đó, tuyến đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang đang gấp rút lựa chọn phương án triển khai; đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án động lực trọng tâm như tuyến đường vành đai phía Đông, phía Tây 2, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 29, xây dựng cao tốc Buôn Ma Thuột – Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng); phát triển Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế… Các công trình này khi đi vào hoạt động sẽ là cơ sở để tăng cường liên kết vùng, thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động giao thương hàng hóa, du lịch và phát triển kinh tế – xã hội, an ninh - quốc phòng, tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho tỉnh Đắk Lắk.

Thu hút các “ông lớn”

Thực tế cho thấy, dưới sự tác động của hạ tầng hoàn thiện và các chính sách thu hút đầu tư, Đắk Lắk đang trở thành thị trường đầy tiềm năng, thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, phát triển đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất sản phẩm nông nghiệp… Nhiều tập đoàn lớn, tổng công ty mạnh, có tên tuổi trong và ngoài nước đã đến Đắk Lắk tìm hiểu cơ hội đầu tư, có doanh nghiệp đã lập ngay dự án đầu tư, có nhà đầu tư mới nghiên cứu, tìm hiểu. Không khí kêu gọi đầu tư và sự hưởng ứng của các doanh nghiệp trong giai đoạn này ngày càng sôi nổi. Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2021, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng số vốn trên 10.185 tỷ đồng, tăng hơn 9.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý trong đó 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cánh đồng pin của Cụm Dự án điện  mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp. (Ảnh do nhà đầu tư cung cấp)
Cánh đồng pin của Cụm Dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp. (Ảnh do nhà đầu tư cung cấp)

Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh cũng đón tiếp nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, đề xuất đầu tư xây dựng dự án trên địa bàn tỉnh, như: Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings, Tập đoàn Xuân Thiện…

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cho rằng, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách của tỉnh còn hạn chế, Đắk Lắk cần huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Việc các tập đoàn lớn có ý định đầu tư vào Đắk Lắk cho thấy địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch... một cách bền vững và sâu rộng. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án phải đảm bảo hài hòa với môi trường, phù hợp với bản sắc văn hóa của vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.