Multimedia Đọc Báo in

Chống hạn bằng... cỏ

08:15, 17/05/2021

Biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng rõ rệt đến sản xuất nông nghiệp mà biểu hiện dễ thấy nhất là tình trạng nắng hạn gay gắt, thiếu nước tưới vào mùa khô ở hầu hết các vùng canh tác trên toàn tỉnh. Trồng cỏ để giữ ẩm, cân bằng hệ sinh thái là một trong những giải pháp khá mới mẻ và mang lại nhiều lợi ích.

Sáu năm trước, anh Trương Đăng Hưng (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) mua hơn 4 sào đất nông nghiệp, dự tính trồng các loại cây ăn trái phục vụ nhu cầu gia đình. Mảnh đất khá bằng phẳng, có nguồn nước thuận tiện, nhưng chất đất lại rất bạc màu, khô cằn do chủ cũ lạm dụng các biện pháp canh tác hóa học quá mức. Khi tìm hiểu các giải pháp cải tạo đất, anh Hưng biết đến giống cỏ vetiver với những ưu điểm như: giữ nước, tạo sinh khối lớn, có thể hấp thụ các thành phần hóa học từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trong đất… Giữa năm 2018, anh mua 1.000 tép (một thân) cỏ vetiver về trồng thử nghiệm trong vườn.

Anh Trương Đăng Hưng trồng xen cỏ vetiver trong vườn cây ăn trái tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar.
Anh Trương Đăng Hưng trồng xen cỏ vetiver trong vườn cây ăn trái tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar.

Chỉ sau ít tháng mùa mưa, số cỏ giống đã phát triển tốt, hình thành nhiều thân mới từ tép giống ban đầu. Lá cỏ cũng mọc dài khá nhanh, anh cắt theo định kỳ mỗi tháng một lần để phủ lên bề mặt đất. Dần dần, anh tự nhân giống bằng cách tách bớt tép cỏ trong mỗi bụi và trồng vòng quanh các gốc cây ăn trái trong vườn. Sau gần ba năm áp dụng giải pháp này, anh Hưng nhận thấy lượng mùn trên mặt đất đã tăng rõ rệt, đất tơi xốp và luôn giữ được độ ẩm dài ngày hơn sau mỗi lần tưới. Các loại cây ăn trái trong vườn nhờ thế cũng phát triển xanh tốt trong suốt mùa khô dù anh hoàn toàn không bón phân hoặc sử dụng các giải pháp hóa học.

Tương tự, anh Nguyễn Chánh (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) cũng thử nghiệm trồng cỏ vetiver trong vườn cây sầu riêng và bước đầu có được những kết quả khả quan. Rẫy của gia đình anh có diện tích 2,5 ha, nằm ở khu vực thường xuyên thiếu nước tưới vào mùa khô. Anh phải khoan đến ba giếng, nhưng chỉ đến cuối tháng giêng âm lịch là cạn nước, phải tưới cầm chừng. Gần hai năm qua, anh đã phá bỏ cà phê, chuyển sang trồng sầu riêng vì số lượng cây trên một đơn vị diện tích ít hơn và nhu cầu nước tưới cũng trải đều chứ không tập trung theo từng đợt như cây cà phê. Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, anh Chánh trồng xen cỏ vetiver theo hình thức cộng sinh với cây sầu riêng. Anh cho biết, nhờ có cỏ vetiver mà độ ẩm trong đất được điều hòa tốt hơn, giúp cây trồng không bị “sốc nước” hay rụng lá do thiếu nước trong mùa khô. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên cắt lá cỏ vetiver phủ quanh gốc cây sầu riêng, tạo lớp thảm hữu cơ để giữ ẩm cho đất.

 

“Các giống cỏ vetiver được trồng ở Việt Nam là giống bất thụ, không ra hoa kết hạt, không tự phát tán chồi gốc nên dễ kiểm soát được mật độ trong môi trường tự nhiên”.

 
Anh Ngô Đức Thọ, Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch

Cỏ vetiver có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và được các cơ quan chức năng cho phép trồng ở Việt Nam gần 20 năm qua. Giống cỏ này rất dễ trồng, kỹ thuật đơn giản, giá thành không quá cao. Đặc điểm nổi bật của chúng là bộ rễ dài, năm đầu tiên có thể ăn sâu 2,5 - 3 mét, theo thời gian chúng có thể ăn sâu tới 10 - 12 mét, bám chặt vào đất, chống xói mòn, sạt lở. Bộ rễ của cỏ vetiver vừa có tác dụng đưa nước thấm nhanh vào lòng đất lại vừa cấu tạo như "bấc đèn dầu" nên có thể hút nước ngược trở lại, giúp điều hòa độ ẩm trong đất, tạo môi trường thuận lợi cho cây trồng chính cũng như nhiều loại sinh vật có lợi phát triển.

Trong nhiều năm nghiên cứu về tác dụng và sự thích nghi của cỏ vetiver, anh Ngô Đức Thọ (làm việc tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch, trụ sở ở Hà Nội) cho biết đã mang giống cỏ này đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Anh từng mang cỏ lên Hà Giang, Lai Châu, Sơn La để thử nghiệm sức chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Tháng 5-2018, anh cùng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ đưa cỏ vetiver ra đảo Sinh Tồn Đông và đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) để góp phần phủ xanh, ngăn mặn, giữ nước ngọt cho những tấc đất quý giá trên đảo. Trong cả hai môi trường này, cỏ vetiver đều sinh trưởng tốt và có tác động tích cực lên môi trường sinh thái. Riêng đối với các tỉnh Tây Nguyên, anh Thọ cho biết, dưới tác động của biến đổi khí hậu, mùa khô có xu hướng kéo dài và ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn. Trong khi đó, phần lớn nông dân chỉ tập trung khai thác phần đất mặt, thiếu các loài cây rễ sâu để dẫn nhập nước ngầm. Vì vậy, việc sử dụng cỏ vetiver trong canh tác nông nghiệp sẽ mang lại nhiều tác động tốt, giúp nông dân tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất, giảm thiểu xói mòn, cân bằng hệ sinh thái vườn cây.

Anh Ngô Đức Thọ (bên phải) trong chuyến công tác mang cỏ vetiver ra trồng ở đảo Song Tử Tây.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Ngô Đức Thọ (bên phải) trong chuyến công tác mang cỏ vetiver ra trồng ở đảo Song Tử Tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hiện nay, đa số nông dân biết đến cỏ vetiver đều do chủ động tìm hiểu và ứng dụng thông qua các kiến thức từ mạng Internet và các hội, nhóm trên mạng xã hội. Kết quả bước đầu của một số mô hình trồng cộng sinh cỏ vetiver trong vườn cây ăn trái cho kết quả khá tích cực nhưng vẫn cần có thêm đánh giá từ ngành nông nghiệp tỉnh nhà để có những khuyến cáo cần thiết cho bà con nông dân.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.