Multimedia Đọc Báo in

Giá vật liệu tăng cao, lĩnh vực xây dựng gặp khó khăn

07:54, 25/05/2021

Trước mùa mưa ở Đắk Lắk vài tháng cũng là lúc nhiều chủ thầu, chủ đầu tư tiến hành thi công công trình, nhu cầu tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh. Thế nhưng năm nay, giá vật liệu đã tăng đến mức "chóng mặt" khiến các công trình xây dựng, nhất là công trình nhà ở của người dân bị ảnh hưởng.

Theo các chủ đại lý kinh doanh mặt hàng này tại TP. Buôn Ma Thuột, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch đến nay, giá bán các loại vật liệu xây dựng như sắt, gạch, đá… tăng liên tục, trong đó tăng mạnh nhất là sắt. Hiện, sắt có giá 20.000 đồng/kg, đã tăng 3.800 đồng/kg so với hồi cuối tháng 3; gạch cũng tăng từ 560 đồng/viên lên 750 đồng/viên; đá 1x2 tăng từ 220.000 đồng/m3 lên 260.000 đồng/m3.

Chị Phạm Thị Vinh, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Tăng Vinh (đường Đinh Tiên Hoàng, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu do nhà sản xuất đưa ra thay đổi liên tục theo chiều hướng tăng, một ngày thay đổi vài lần giá bán, có khi chỉ 2 - 3 ngày đã tăng lên 4 giá. Gần 10 năm kinh doanh ngành hàng này, chưa bao giờ tôi chứng kiến thị trường vật liệu xây dựng tăng chưa có điểm dừng như thời điểm hiện tại”.

 

Một  công trình đang  xây dựng  ở phường  Tự An  (TP. Buôn Ma Thuột) gặp khó khăn  do giá  vật liệu  tăng cao.
Một công trình đang xây dựng ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) gặp khó khăn do giá vật liệu tăng cao.

 

Giá vật liệu tăng đột biến, tình trạng kinh doanh cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Lý giải cho tình trạng này, một đại lý kinh doanh ở phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột cho hay, do giá tăng cao nên một số chủ đầu tư, chủ thầu đã quyết định giãn thời gian thi công để chờ giá giảm, khiến lượng hàng bán ra ở cửa hàng bị sụt giảm đến 50%. Thời gian tới, cùng với tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thì chưa biết tình trạng buôn bán còn lâm vào cảnh ế ẩm như thế nào.

Theo phỏng đoán của các chủ đại lý, giá vật liệu xây dựng chưa thể “hạ nhiệt” trong thời gian ngắn sắp tới. Vì cứ vài ngày họ lại được thông báo từ các đơn vị phân phối báo giá tăng cao hơn một chút. Mỗi doanh nghiệp sản xuất có một “lý do riêng” để tăng giá, nhưng chung quy lại vẫn là giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao như than, điện, xăng dầu…

Đối với các nhà thầu, giá vật liệu xây dựng tăng “chóng mặt” khiến họ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi giá sắt, đá, gạch tăng cao khiến chi phí xây dựng tăng thêm làm họ bị giảm lợi nhuận, thậm chí đứng trước nguy cơ thua lỗ. Anh Nguyễn Duy Linh, Chỉ huy trưởng công trình của Công ty TNHH Xây dựng Tây Sơn (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, với giá vật liệu như hiện tại, chi phí thi công bị “đội” lên thêm 20%. Trong khi hầu hết các công trình đều làm hợp đồng trước với khách từ năm 2020 theo dạng khoán trọn gói nên khi giá vật liệu tăng thì phía công ty phải chịu. Với hơn 10 hợp đồng đã ký kết, nay giá vật liệu tăng chưa có điểm dừng, chi phí phát sinh cứ thế nhân lên, nhà thầu như anh “khóc ròng”.

Với những gia đình đang tiến hành xây dựng, giá vật liệu tăng “phi mã” khiến không ít người như “ngồi trên đống lửa”. Anh Nguyễn Hoàng Sơn (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, vợ chồng anh dành dụm, vay mượn được hơn 1,5 tỷ đồng để xây nhà ở. Khi anh đổ móng, xây tường được hơn 1 mét thì giá vật liệu “leo thang” từ đầu tháng 4 đến nay.  “Giá sắt, gạch tăng cao nhưng công trình thì không thể dừng lại được. Mọi việc nằm ngoài dự đoán, vợ chồng tôi đành chấp nhận vay nợ ngân hàng để hoàn thiện ngôi nhà”, anh Sơn bộc bạch.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong ngắn hạn, tình hình giá vật liệu xây dựng vẫn rất căng thẳng. Có thể phải đến tới giữa năm, thậm chí cuối năm, giá các loại nguyên vật liệu phục vụ xây dựng mới có thể giảm xuống và duy trì ổn định. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đang khó lường nên không có gì chắc chắn. Do vậy, cả các doanh nghiệp bán buôn vật liệu xây dựng lẫn các chủ thầu, nhà đầu tư vẫn phải tự tìm giải pháp để khắc phục. Về phía người dân, nên tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc thời điểm thi công để tiết kiệm chi phí xây dựng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.