Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu nhờ đổi mới tư duy chăn nuôi

08:11, 27/05/2021

Trong khi nhiều hộ chăn nuôi heo gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ và hiệu quả kinh tế không cao, thì ông Lê Văn Sơn ở thôn 4 (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) rất thành công với mô hình nuôi heo an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trước đây, do chăn nuôi nhỏ lẻ, kỹ thuật còn hạn chế nên dịch bệnh hay xảy ra, hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi được cán bộ nông nghiệp địa phương tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, ông Sơn thay đổi tư duy, đầu tư chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học.

Chuồng trại nuôi heo an toàn sinh học phải đầu tư đồng bộ nhằm bảo vệ môi trường sinh sống an toàn cho heo, nên ông Sơn bắt đầu bằng việc cải tạo, xây dựng lại khu chăn nuôi với diện tích 2.300 m2, gồm: 1 dãy chuồng nuôi heo nái đẻ, 2 dãy chuồng nuôi nái sữa, 1 dãy chuồng nuôi nái mang bầu và 3 dãy chuồng nuôi heo thịt.

Ngoài ra, hệ thống cho ăn, uống tự động, kho chứa thức ăn, nhà ở, tủ thuốc thú y, tủ bảo quản vắc xin, hệ thống biogas xử lý chất thải, cổng, tường rào… được ông Sơn lắp đặt đầy đủ.

Chuồng trại chăn nuôi được ông Sơn đầu tư kiên cố.
Chuồng trại chăn nuôi được ông Sơn đầu tư kiên cố.

Ông Sơn chia sẻ, áp dụng nghiêm túc phương pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi là “bí kíp” giúp trại heo của ông luôn an toàn trước dịch bệnh. Theo đó, đầu vào trang trại gồm: thức ăn, nước, thuốc thú y, con giống… và đầu ra là sản phẩm xuất bán luôn được ông kiểm soát chặt chẽ cùng các bước khử trùng nghiêm ngặt. Trước khi vào thăm trại heo, người ra, vào khu vực chuồng nuôi phải sát trùng tay, nhúng ủng hoặc giày, dép vào hố khử trùng nhằm loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.

 
Hội Nông dân huyện đang vận động, khuyến khích hội viên nông dân trên địa bàn học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các mô hình đã thành công để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường và mang lại thu nhập ổn định".
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Năng Nguyễn Văn Quân

Trong quá trình nuôi, ông Sơn sử dụng men vi sinh bổ sung vào thức ăn cho heo, giúp kích thích tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, đàn heo tăng trọng nhanh. Trước khi xuất bán một tháng, ông sử dụng thức ăn từ ngô, lúa lên men sinh học nhằm bảo đảm không còn tồn dư thức ăn công nghiệp trong cơ thể heo. Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn heo...

Nhờ chăn nuôi an toàn sinh học, cộng với bổ sung men sinh học, vitamin trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho heo nên trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, đàn heo nhà ông Sơn không có con nào bị bệnh. Đầu năm 2018, ông Sơn được VietGAP cấp giấy chứng nhận chăn nuôi thực phẩm sạch, an toàn. Trang trại heo của ông Sơn hiện có gần 100 heo nái và 500 heo thịt. Mỗi năm, ông xuất bán 2 - 3 lứa heo, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 90 - 100 tấn thịt heo hơi, với giá heo luôn ở mức trên 70.000 đồng/kg, đem lại cho gia đình ông lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm.

Cũng theo ông Sơn, so với các hộ chăn nuôi trong khu vực, việc nuôi heo an toàn sinh học còn tiết kiệm chi phí lao động hơn 70%, giảm từ 10 - 12% thức ăn và toàn bộ phế phẩm được tận dụng làm biogas, phân hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài chăn nuôi, trang trại của ông Sơn còn trồng thêm 800 trụ tiêu để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.