Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao giá trị cây ăn quả ở huyện Cư M'gar

07:51, 26/05/2021

Được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu, nguồn nước, huyện Cư M’gar đã chú trọng phát triển cây ăn quả. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều loại cây ăn quả ở đây đã trở thành cây trồng chủ lực.

Sau hơn 2 năm xuống giống, vườn nhãn hương chi của gia đình ông Lê Hồng Luận ở xã Ea M’nang bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ thay đổi phương pháp canh tác dần theo hướng hữu cơ, ông Luận còn áp dụng khoa học kỹ thuật để cây nhãn ra trái rải vụ trong năm.

Cách làm này vừa nâng cao giá trị sản phẩm lại không bị thương lái ép giá như khi thu hoạch đồng loạt. Hiện trong số 1.000 cây nhãn đã có 300 cây cho thu hoạch, với năng suất từ 20 - 30 kg/cây. Nhờ chất lượng quả tốt nên cứ đến kỳ thu hoạch thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 22.000 - 25.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khá cho gia đình.

 

 Vườn cây ăn quả của gia đình anh Trịnh Thi (thôn Tiến Đạt,  xã Quảng Tiến).
Vườn cây ăn quả của gia đình anh Trịnh Thi (thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến).

 

Tương tự, anh Trịnh Thi (ở thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến) có hơn 2 ha trồng cây ăn quả. Toàn bộ diện tích này trước đây anh Thi trồng cà phê nhưng do cây già cỗi cho năng suất kém nên anh mạnh dạn chuyển sang trồng bơ booth, sầu riêng Dona và mít Changai. Để tạo lợi thế đối với sản phẩm của gia đình, anh Thi áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao chất lượng, ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học chăm sóc  cây. Trong số 300 cây sầu riêng, thì 100 cây đã cho thu hoạch, năng suất đạt 1 tạ/cây. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh Thi thu về 500 triệu đồng từ vườn cây ăn quả.

Hiện trên địa bàn huyện Cư M’gar có gần 8.000 ha trồng cây ăn quả, tăng 2 - 3 lần so với năm 2015. Các loại cây ăn quả được trồng nhiều là bơ, sầu riêng, mít, tập trung ở các xã Ea Tar, Quảng Hiệp, Ea Kpam, Quảng Tiến, Ea M’nang, Ea Kiết, Cư Dliê M’nông, thị trấn Quảng Phú. Trồng ăn cây quả không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng mà còn tạo việc làm thêm cho lao động nông thôn từ khâu chăm sóc, thu hoạch.

Ông Phạm Quang Mười - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho hay, cùng với tăng diện tích, chất lượng, sản lượng cây ăn trái của địa phương cũng ngày được nâng cao. Bình quân mỗi năm, huyện cung ứng ra thị trường khoảng 30.000 - 40.000 tấn sản phẩm. Từ chỗ trồng nhỏ lẻ, xen canh trong vườn cà phê, đến nay trên địa bàn huyện đã có nhiều diện tích trồng thuần cây ăn quả. Để tương trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm, người dân đã liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả, tiêu biểu như: Hợp tác xã Bơ Cư M’gar. Việc liên kết này bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, như hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc; chất lượng, đầu ra sản phẩm được cải thiện, lợi nhuận thu về cao hơn… Tuy nhiên, trên địa bàn huyện hiện chưa có nhà máy chế biến và bảo quản nông sản, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ. Phần lớn trái cây ở đây đều thu hoạch theo mùa, chưa có nhiều loại trái cây trồng quanh năm hoặc trái vụ. Do sản xuất nhỏ lẻ nên chất lượng trái cây ở địa phương vẫn chưa đồng đều, về màu sắc, hình dáng chưa thật sự bắt mắt… "Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững cho cây ăn quả, huyện Cư M’gar đang tính đến hướng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cây ăn quả, và hướng đến xuất khẩu. Huyện tạo mọi thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản với mục tiêu kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương", ông Mười thông tin.

 

Cây sầu riêng đang mang lại thu nhập khá cho nhiều người dân ở huyện Cư M'gar.
Cây sầu riêng đang mang lại thu nhập khá cho nhiều người dân ở huyện Cư M'gar.

 

Trong nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị, lãnh đạo huyện Cư M'gar đã gặp gỡ, làm việc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre) tìm hướng gắn kết, thúc đẩy tiêu thụ mít, bơ và sầu riêng. Giữa hai bên đã bàn bạc vấn đề xây dựng vùng trồng tập trung ở xã Ea Tar, xây dựng nhà máy chế biến trái cây trên địa bàn.

Song song với đó, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục đẩy mạnh tập huấn tiến bộ kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả có giá trị kinh tế cao cho người dân, tạo điều kiện để họ tiếp cận vốn ưu đãi; vận động nông dân liên kết với nhau, tạo ra mối quan hệ gắn bó khăng khít trong quá trình sản xuất, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua các hình thức tổ chức sản xuất. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn để phát triển bền vững, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giá trị cho trái cây.

Huyện Cư M'gar đang hướng đến phương án xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả, từng bước xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thương hiệu sầu riêng, bơ, mít Cư M’gar; khuyến khích người dân tổ chức sản xuất hợp lý để có nguồn trái cây chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài cho người trồng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.