Multimedia Đọc Báo in

Nâng giá trị hoạt động thương mại của đô thị Buôn Ma Thuột

08:17, 30/05/2021

Được định vị là cửa ngõ Tây Nguyên, là hạt nhân kinh tế của tỉnh Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột từ lâu đã được xác định vai trò là một đô thị thương mại với rất nhiều hoạch định phát triển. Nhưng để thành phố cao nguyên này thật sự tạo dựng được những giá trị về hoạt động thương mại thì câu trả lời thực tế lại không dễ dàng.

Thậm chí với một số doanh nghiệp địa phương, qua thực tế làm ăn nhiều năm cho thấy, vẫn còn nhiều trở ngại từ tập tục, nếp nghĩ của người dân địa phương, làm trì níu những hướng mở cửa thị trường mới. Họ rất cần những trợ lực mới từ các cấp quản lý, cơ quan chuyên môn để đủ cơ sở mạnh dạn thay đổi, để có thể chung sức tạo được giá trị mới cho thành phố.

Duy trì chợ truyền thống

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương Đắk Lắk tâm sự, nhìn lại chặng đường đã qua của thương mại địa phương cho thấy Đắk Lắk đã có nhiều cơ hội phát triển. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Đắk Lắk đã được đầu tư, phát triển thương mại, đặc biệt về xuất khẩu khu vực một cách mạnh mẽ. Giai đoạn mở cửa kinh tế thị trường, Đắk Lắk cũng được xác định tiên phong xây dựng quan hệ doanh nghiệp tư doanh, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn của cả Tây Nguyên. Đến nay, kinh tế hội nhập, Đắk Lắk lại là địa phương đi đầu về xuất khẩu nông thổ sản với những sản phẩm đặc trưng như cà phê, tiêu, điều…

Tuy nhiên, hoạt động thương mại của Đắk Lắk vẫn cơ bản gắn với mô hình kinh doanh chợ truyền thống, giao dịch hàng hóa trực tiếp, thậm chí là “hàng đổi hàng”. Không ít nông hộ, trang trại đã quen bán hàng cho các thương lái thu mua tại chỗ dù biết giá cả thấp hơn rất nhiều, với lý do “tiện giao dịch”. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân dễ bị thương lái “ép giá”. "Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn luôn tồn tại ở thị trường nơi đây, làm tổn thất không ít đến các giá trị nông sản Đắk Lắk”, ông Lưu nhấn mạnh.

Chợ truyền thống với phương thức giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến với hoạt động thương mại  TP. Buôn Ma Thuột.
Chợ truyền thống với phương thức giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến với hoạt động thương mại TP. Buôn Ma Thuột.

Bởi thực trạng này, dù hiện tại Đắk Lắk đã phát triển hạ tầng thương mại mạnh mẽ, có đến 148 chợ trên toàn địa bàn, trong đó có 2 chợ hạng 1, 15 chợ hạng 2 và 131 chợ hạng 3; phát triển 6 siêu thị và 2 trung tâm thương mại, chưa kể hàng trăm cửa hàng nông sản nhỏ lẻ nhưng thương mại của địa phương vẫn khó khởi sắc. Nhất là TP. Buôn Ma Thuột, vẫn tồn tại những chợ nông sản bày bán vỉa hè, kể cả ở chợ có tính chất đầu mối như Tân An. Những luồng tuyến nông sản từ Đắk Lắk, TP. Buôn Ma Thuột tỏa đi các nơi vẫn thuần túy là các xe tải chở hàng “chưa chín tới” đi giao nhận, với giá cả thương lái bấp bênh và chất lượng không hề ổn định.

Phát huy sức mạnh số?

Ông Trần Trọng Lưu thổ lộ, trong hoạch định phát triển thương mại Đắk Lắk, vai trò số hóa đang trở thành lựa chọn chính để địa phương thay đổi mạng lưới kinh doanh. Sở Công thương đã lên kế hoạch đầu tư đổi mới, vận động thay đổi các quan hệ thương mại truyền thống để tạo thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa địa phương tăng trưởng.

Thứ nhất, địa phương chú trọng giữ mô hình chợ truyền thống tại các cấp cơ sở cho người dân tiện mua bán, song kêu gọi nhiều nhà đầu tư hình thành những chuỗi kinh doanh thương mại mới, hiện đại. Bách Hóa Xanh, các siêu thị mini… là một trong những hướng thay đổi của các nhà buôn ở địa phương, đến nay đang phát triển số lượng rất tốt, đặc biệt ở trung tâm Buôn Ma Thuột và các huyện lân cận. Người dân dần thích ứng hơn với các cửa hàng tự chọn, giao hàng tận nơi… thay vì đi đến chợ.

Thứ hai, vận động thương mại điện tử, hướng đến giao dịch không dùng tiền mặt đang là nỗ lực của địa phương trong tổ chức hoạt động thương mại, chú ý đến xuất khẩu. Một lợi thế của Đắk Lắk là rất nhiều người dân từ lâu đã tiếp cận các hình thức giao dịch điện tử, như: chuyển khoản, dùng ví điện tử nên khi địa phương vận động phát huy tính tiện lợi của những hình thức này, lập tức nhận được sự đồng thuận. Đặc biệt giới trẻ ở TP. Buôn Ma Thuột đang tham gia kinh doanh thương mại điện tử rất tích cực cho các gia đình, công ty của mình.

Thứ ba, Buôn Ma Thuột đang là đô thị được định vị xây dựng các hệ thống giao dịch thương mại hiện đại, để nâng giá trị hạ tầng thương mại lên một tầm cao mới. Ông Lưu cho biết, thành phố đang tương tác với một số nhà cung cấp các giải pháp xây dựng sàn nông sản điện tử, chợ đầu mối điện tử. Theo đó, thành phố sẽ thí điểm một số sàn nông sản trực tuyến, để các cơ sở sản xuất đăng ký đưa hàng hóa vào, niêm yết công khai, mời các nhà thầu, thương lái đặt mua. Điều kiện này sẽ giúp kết nối với những nhà buôn, đầu mối xuất khẩu lớn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành khác, không bị các thương lái địa phương ép giá hàng hóa nữa. Đồng hành với sự đầu tư này, Đắk Lắk đang có kế hoạch kết nối giao thương ngày càng thuận tiện qua mạng lưới đường giao thông được đầu tư phát triển tốt hơn. Như thế, hàng hóa nông sản địa phương sẽ thuận tiện lan tỏa đi các nơi, trong khi hàng hóa tiêu dùng từ các trung tâm lớn sẽ thêm thuận lợi vận chuyển về Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. “Số hóa, sẽ là cơ hội mới để thương mại tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Lưu khẳng định.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc