Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ xã Băng A Drênh tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế

08:12, 27/05/2021

Thông qua nhiều hình thức tiết kiệm, nhiều phụ nữ trên địa bàn xã Băng A Drênh (huyện Krông Ana) đã hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Hội LHPN xã Băng A Drênh có 1.016 hội viên sinh hoạt tại 6 chi hội. Nhằm hỗ trợ hội viên cải thiện, nâng cao đời sống, nhất là hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau từ nguồn vốn tự huy động bằng việc thành lập và duy trì các mô hình tổ tiết kiệm vay vốn, tổ vay vốn xoay vòng, quỹ tiết kiệm…

Nổi bật là mô hình “Tổ tiết kiệm vay vốn” của chi hội phụ nữ thôn 1, được triển khai từ năm 2007. Ban đầu, mô hình có 92 chị tham gia với mức tiết kiệm 100 nghìn đồng/năm. Nguồn vốn tiết kiệm này được chi hội cho các hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, chi hội đã xây dựng được 3 tổ tiết kiệm với tổng số tiền 118 triệu đồng, trung bình mỗi năm giúp 39 chị vay để đầu tư sản xuất, buôn bán, chăn nuôi.

Mô hình trồng nấm của chị Trọng Thị Tuyết (thôn 1).
Mô hình trồng nấm của chị Trọng Thị Tuyết (thôn 1).

Chị Trần Thị Hà, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 1 cho biết, từ khi thành lập đến nay, các chị em đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn được vay nên nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, điều kiện sống được cải thiện. Điển hình như chị Trọng Thị Tuyết (thôn 1), trước đây kinh tế gia đình chỉ dựa vào 3 sào đất trồng cà phê xen tiêu, giá cả bấp bênh nên thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2018, chị được tổ tiết kiệm Chi hội phụ nữ thôn 1 xét cho vay 3 triệu đồng cùng với 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng nấm bào ngư và nấm sò. Từ nguồn này, chị đã đầu tư xây dựng khu trại rộng 80 m2 để trồng nấm bào ngư. Sau hơn một năm chị đã trả được số tiền vay và mở rộng quy mô trại nấm lên 1.000 m2. Đến nay đều đặn mỗi tháng trại nấm đem lại cho gia đình chị nguồn thu ổn định hơn 10 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN xã Băng A Drênh đã xây dựng được 16 tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm với tổng số tiền 488 triệu đồng cho 118 chị em có hoàn cảnh khó khăn vay; giúp 25 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo.

Hay như chị Nguyễn Thị Đài (thôn 1) sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay từ tổ tiết kiệm của Chi hội phụ nữ thôn 1 và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (năm 2019) chị đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Từ 4 con bò giống ban đầu, đến nay chị đã sở hữu đàn bò hơn 20 con, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Ngoài ra, chị còn tận dụng nguồn phân chuồng để bón cho vườn cà phê, tiêu giúp tiết kiệm chi phí.

Cùng với việc duy trì mô hình “Tổ tiết kiệm vay vốn”, từ năm 2010, Chi hội phụ nữ thôn 1 cũng đã thành lập Câu lạc bộ quỹ tiết kiệm, với 22 thành viên. Tham gia vào câu lạc bộ, mỗi thành viên sẽ đóng 600 nghìn đồng/người để tạo quỹ cho những chị em nghèo vay. Ngoài ra, chi hội còn tích cực vận động hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế (trồng nấm, nuôi bò, trồng rau sạch…) để tăng thu nhập, cải thiện đời sống; đóng góp tiền mặt, cây, con giống, vật tư phân bón, ngày công lao động giúp đỡ hội viên nghèo, khó khăn phát triển sản xuất…

Đại diện Hội LHPN xã Băng A Drênh (bên trái) trao vốn khởi nghiệp cho hội viên nghèo.
Đại diện Hội LHPN xã Băng A Drênh (bên trái) trao vốn khởi nghiệp cho hội viên nghèo.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Băng A Drênh Lê Thị Thùy Trang, đi đôi với hỗ trợ vay vốn, Hội LHPN xã cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: xây dựng Quỹ khởi nghiệp; phát động cuộc vận động ủng hộ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh”; duy trì và nâng cao chất lượng phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế hộ gia đình cho cán bộ, hội viên, phụ nữ…, qua đó giúp nhiều hội viên, phụ nữ có cơ hội và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.