Triển vọng từ các mô hình kinh tế tập thể ở Hòa An
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời tăng thu nhập cho gia đình, nhiều người dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) đã chủ động liên kết với nhau, thành lập các mô hình kinh tế tập thể, mang lại hiệu quả trong sản xuất.
Dựa vào thế mạnh của địa phương cùng sự hỗ trợ của chính quyền, trên địa bàn xã đã thành lập được Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ liên vùng Đồng Môn và Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến; thành lập 5 tổ hợp tác (THT): nuôi bò vỗ béo – bò sinh sản ở thôn 1A, 7, Tân Lập A, chăn nuôi gà trống thiến ở thôn 8 và dịch vụ nông nghiệp 1 ở thôn 1A. Đơn cử như THT nuôi bò vỗ béo – bò sinh sản ở thôn Tân Lập A, với 15 thành viên đang nuôi khoảng hơn 40 con bò lai, bò 3B…, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ THT vay 300 triệu đồng trong thời gian 36 tháng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân năm 2021 để phát triển dự án chăn nuôi này.
Ông Bùi Xuân Huynh (bên phải) ở thôn 1A giới thiệu về mô hình nuôi bò vỗ béo - bò sinh sản của gia đình. |
Sau khi được nhận 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh và 10 triệu đồng từ nguồn quỹ do các thành viên trong THT đóng góp, anh Lương Văn Thái (thành viên THT) đã có thêm nguồn vốn đầu tư chăm sóc 5 con bò (4 con bò lai và 1 con bò 3B) của gia đình. Anh Thái cho hay, trước đây gia đình anh chủ yếu nuôi giống bò cỏ của địa phương, nhưng hình vóc bò nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp. Đầu năm 2019, gia đình anh đã chuyển sang nuôi 2 con bò lai, sau một năm chăm sóc, bò đạt trọng lượng khoảng 300 kg, xuất bán với giá hơn 30 triệu đồng/con, gia đình anh lãi 15 triệu đồng/con. Nhờ thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi bò lai, đầu năm nay, anh đã trồng thêm 2 sào cỏ voi và tăng số lượng nuôi lên 5 con bò vỗ béo và sinh sản. Đồng thời tích cực tham gia các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật của Hội Nông dân xã và được các thành viên THT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, để áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình, giúp đàn bò phát triển khỏe mạnh, trọng lượng tăng nhanh, anh Thái hy vọng sẽ thu được lợi nhuận cao từ mô hình này.
Tương tự, tháng 6-2020, Hội Nông dân xã cũng đã hỗ trợ người dân thành lập THT chăn nuôi gà trống thiến ở thôn 8, với 7 thành viên, duy trì nuôi khoảng hơn 100 con gà/hộ. Sản phẩm của THT được bán ở trong và ngoài tỉnh, với giá bán khoảng 120.000 đồng/kg, trung bình mỗi con có giá khoảng 300.000 đồng, người chăn nuôi lãi gần 200.000 đồng/con. Ngoài ra, các thành viên trong tổ còn nuôi thêm gà mái để cung cấp gà thịt cho người dân với giá 85.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Tổ trưởng THT chăn nuôi gà vốn đầu tư ít, rủ ro thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, lại cho thu nhập ổn định. Để gà sinh trưởng tốt cần có khu vực chăn thả rộng rãi, nhiều thức ăn, chuồng trại khô ráo, sạch sẽ. Các thành viên trong THT cũng chủ động phân chia công việc, người đảm nhận công tác thú y, người quảng bá sản phẩm… nhờ sự đồng thuận, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, quá trình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm của THT ngày càng thuận lợi, THT dự định sẽ mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
Cán bộ Hội Nông dân huyện tham quan mô hình nuôi bò vỗ béo - bò sinh sản của gia đình ông Lương Văn Thái (bìa trái) ở thôn Tân Lập A. |
Ông Dương Ngọc Sửu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An cho biết, để phát triển các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, Hội thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt và giới thiệu các địa điểm mua con giống chất lượng, giá cả hợp lý cho người dân. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động người dân thành lập ở mỗi thôn, buôn một THT hoạt động bền vững và có hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự phối hợp, hỗ trợ của các cấp, các ngành cùng người dân để tạo dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tìm kiếm đầu ra ổn định cho các sản phẩm của địa phương.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc