Nỗ lực "làm sạch" thị trường
Để công tác quản lý thị trường (QLTT) đạt hiệu quả cao, ngoài kiểm tra, xử lý vi phạm thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Có như vậy thì nỗ lực “làm sạch” thị trường mới thật sự có hiệu quả.
Theo Cục QLTT tỉnh, Đắk Lắk là trung tâm kinh tế - xã hội, cửa ngõ giao lưu hàng hóa của vùng Tây Nguyên nên lượng luân chuyển hàng hóa trên thị trường tỉnh diễn ra sôi động. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh là sự gia tăng mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất, kinh doanh. Hiện toàn tỉnh có trên 10.000 DN đang hoạt động, kinh doanh ở các ngành nghề, trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh hàng hóa.
Kiểm soát viên Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk tuyên truyền, hướng dẫn hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa vi phạm. |
Dù không phải là "điểm nóng” nhưng hoạt động buôn lậu, mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh hàng hóa không bảo đảm các quy định của pháp luật vẫn diễn ra trên địa bàn. Hàng hóa vi phạm về nhãn mác khá phổ biến, hành vi bán hàng hóa không niêm yết, bán sai giá niêm yết vẫn còn tồn tại, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được xử lý triệt để. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đang ngày càng phát triển, dần thay thế các hoạt động kinh doanh, giao dịch truyền thống. Tác động của dịch bệnh COVID-19 càng thúc đẩy các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử phát triển…
Từ năm 2020 đến nay, Cục QLTT Đắk Lắk đã tổ chức 3 lớp tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, phổ biến pháp luật; dán 5.500 tờ áp phích cảnh báo hậu quả pháp lý của việc buôn bán, tàng trữ, vận chuyển tiêu thụ thuốc lá ngoại nhập lậu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tổ chức ký cam kết với gần 1.000 cơ sở kinh doanh về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh...
|
Để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại và chấn chỉnh tình trạng vi phạm, Cục QLTT Đắk Lắk chú trọng bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, gian lận thương mại, ngăn chặn kịp thời các thủ đoạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, nhái… Từ đầu năm đến nay, Cục đã kiểm tra 368 cơ sở, phát hiện 423 hành vi vi phạm. Qua đó, xử phạt hành chính gần 2,1 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 87 triệu đồng.
Không chỉ ở thành thị, tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, đời sống còn thấp nên nhận thức của người dân còn hạn chế, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng còn có cơ hội tung hoành. Qua kiểm tra, Cục đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, trong đó có nguyên nhân do nhận thức pháp luật trong hoạt động thương mại của cả người kinh doanh và người tiêu dùng còn chưa đầy đủ. Điều đó càng đòi hỏi hơn nữa nỗ lực của lực lượng QLTT địa phương.
Theo ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk, để công tác QLTT đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc kiểm tra, xử lý thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh đến cá nhân, tổ chức, DN là yếu tố hết sức quan trọng. Trong nỗ lực "làm sạch" thị trường, Cục hướng đến đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, từng bước thay đổi thói quen, nhận thức, văn hóa tiêu dùng, các giao dịch mua, bán của người dân, tổ chức sản xuất, kinh doanh và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
Một hộ kinh doanh thuốc, thiết bị vật tư y tế tại TP. Buôn Ma Thuột ký cam không kinh doanh hàng hóa vi phạm. |
Từ quan điểm đó, Cục QLTT Đắk Lắk đã tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều kế hoạch, chiến dịch tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh từ thành thị đến các vùng nông thôn trong tỉnh. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các DN, hộ kinh doanh đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, có trọng tâm, trọng điểm.
Việc tuyên truyền được tổ chức sâu rộng, trực tiếp đến các đối tượng kinh doanh thông qua việc dán áp phích tuyên truyền; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên cập nhật, hướng dẫn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề buôn bán và cử cán bộ trực tiếp gặp gỡ, trao đổi để DN, hộ kinh doanh được biết và chấp hành.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp tuyên truyền kiến thức pháp luật đến DN, hộ kinh doanh, yêu cầu các đơn vị chấp hành đúng pháp luật trong kinh doanh; tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn trong việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Đắk Lắk, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh… thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh các đơn vị, hộ kinh doanh vi phạm; kêu gọi người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu.
Nhờ đó, các đối tượng sản xuất, kinh doanh đã nắm được quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức trong kinh doanh, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, góp phần tạo môi trường thuận lợi để các DN, hộ kinh doanh được bình đẳng trước pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng địa phương. Quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng QLTT vì thế cũng đạt hiệu quả cao hơn.
Theo ông Mai Mạnh Toàn, thời gian tới Cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; tiếp tục tổ chức cho các DN, cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa vi phạm, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đã ký kết nhưng vẫn vi phạm.
Đỗ Lan