TP. Buôn Ma Thuột: Cần những tổng kho nông sản
“Được mùa mất giá, được giá mất mùa” là điệp khúc diễn ra lâu nay tại Đắk Lắk nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng.
Làm sao để thu hoạch, bảo quản lượng nông sản Tây Nguyên đúng vụ mùa, đợi đến lúc thị trường lạc quan nhất sẽ bán ra, là ước mơ đã bao năm của nông dân vùng đất này. Vì vậy làm sao để địa phương có được thật nhiều tổng kho nông sản là vấn đề thật sự cần đặt ra nghiêm túc!
Theo một số doanh nghiệp địa phương, nếu có thể điều tiết lượng hàng hóa nông sản đang có khớp với thị trường tiêu thụ thì người dân TP. Buôn Ma Thuột và cả Đắk Lắk sẽ có được con số thu nhập rất lớn mỗi năm. Đó là chưa kể cơ hội tiếp cận những thị trường khó tính với giá mua cao nếu các loại nông sản Tây Nguyên được bảo quản đúng cách, kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa xuất khẩu với hệ thống kho bảo quản đạt tiêu chuẩn.
Đầu tư chợ, chưa đầu tư kho
Theo Đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tầm nhìn đến năm 2030, Sở Công thương dự tính đến năm 2025 sẽ xây mới 39 chợ, nâng cấp 20 chợ, di dời xây mới 2 chợ; nâng tổng số chợ trên địa bàn tỉnh lên 187 chợ, trong đó có 1 chợ đầu mối quy mô (phường Tân Hòa) và 1 chợ đêm Buôn Ma Thuột. Riêng TP. Buôn Ma Thuột, đô thị trung tâm đầu tư kinh doanh nông sản của tỉnh, đến năm 2025 sẽ có 28 chợ, trong đó có 11 chợ xây mới, đặc biệt có 2 chợ chuyên kinh doanh trái cây và vật nuôi, cây cảnh.
Chợ đầu mối Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Điểm nhấn của hệ thống quy hoạch này là chợ đầu mối Tân Hòa và chợ đêm Buôn Ma Thuột phải được đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo cung ứng hàng hóa chất lượng phục vụ du lịch và tiêu dùng. Đây cũng sẽ là địa chỉ đầu tư “chợ trực tuyến” cho TP. Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk trong tầm nhìn số hóa công tác thương mại và dịch vụ địa phương. Các tổ chức sản xuất chỉ cần kết nối với các cổng thương mại điện tử của chợ, dẫn vào sàn giao dịch điện tử do Sở Công thương tổ chức, là có thể quan hệ hợp tác với các đơn vị xuất nhập khẩu lớn nhiều nơi, kể cả tổ chức kinh tế nước ngoài.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, định vị quy hoạch phát triển như vậy mới có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất hàng hóa nông nghiệp mạnh cho địa phương. Chỉ tính nông sản Đắk Lắk với hơn 304.000 ha đất trồng cây công nghiệp và 341.000 ha đất trồng cây ăn quả, sản lượng thu hoạch đến nay của các loại cà phê, tiêu, điều, sầu riêng, bơ… đã vượt hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn tấn/năm, nguồn nhu cầu kết nối tiêu thụ, bảo quản chế biến đã rất lớn.
Tuy nhiên, trong bài toán đầu tư các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, một khúc mắc lớn vẫn tồn tại là hiệu quả, chất lượng hệ thống kho bãi chứa hàng hóa, bảo quản nông sản sẽ như thế nào. Lãnh đạo Sở Công thương Đắk Lắk nhìn nhận, đây là vấn đề cần xét kỹ và cần một định hướng kêu gọi đầu tư nghiêm túc, vận dụng các nguồn lực đầu tư lớn của xã hội, của các doanh nghiệp song hiện tại vẫn chưa được đặt ra thấu đáo. Bản đồ quy hoạch mạng lưới thương mại tỉnh chỉ đặt ra các yêu cầu chung về hướng cần đầu tư công tác thu hoạch, bảo quản, tổ chức đưa hàng vào các chợ, chợ đầu mối, các siêu thị chứ chưa tính được bài toán thực tế của công tác bảo quản hàng hóa dài ngày, chủ động tổ chức thâu tóm thị trường, điều tiết hàng hóa theo mùa vụ để đạt lợi nhuận tốt hơn.
Với sản lượng lớn nông sản, Đắk Lắk nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng cần những kho chứa hàng hóa. Ảnh: Minh Thuận |
Chung quy, các chợ Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk vẫn chỉ là những chợ mang tính chất truyền thống, chưa thể trở thành những điểm tập kết hàng hóa nằm chờ cơ hội thị trường!
Bao giờ kho bãi nâng tầm?
Một chủ doanh nghiệp cà phê lớn ở TP. Buôn Ma Thuột từng chia sẻ, tất cả kho hàng, kho chứa cà phê địa phương vẫn đều nằm ở dạng thô, tức cà phê thu hoạch về, phơi khô và… chất đống trong kho. Không hề có những giải pháp ứng dụng công nghệ sấy, làm lạnh, kho bảo quản nông sản với các thiết bị kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ… được đầu tư ở những cái kho này. Kể cả các loại nông sản khác của Đắk Lắk cũng đang được thu gom, bảo quản trong những cái kho như vậy.
Nói vậy để biết, nhu cầu cần có những tổng kho lạnh, kho bảo quản trái cây đúng tiêu chuẩn cho TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung thật sự rất lớn. Dù Bộ NN-PTNT từng có đánh giá chỉ đạo, lãnh đạo địa phương từng yêu cầu nghiên cứu tìm hiểu, khả năng đáp ứng, đầu tư lĩnh vực này hình như vấn đề vẫn loanh quanh nằm trên bàn thảo luận của các cơ quan chức năng, chứ chưa được quan tâm đúng mực.
Vụ mùa năm nay, sản lượng lớn bí đỏ ở một số địa phương tiêu thụ khó khăn. Ảnh: Minh Thuận |
Dĩ nhiên đâu đó trong cộng đồng doanh nghiệp đầu tư kinh doanh cũng có những kho lạnh diện tích nhỏ, chất lượng tương đối, đáp ứng tạm thời cho nhu cầu tại chỗ khi hàng hóa nhiều. Nguồn năng lực bảo quản này chung quy chỉ tạm thời, không thể đạt tầm quy hoạch đúng định hướng nằm trong những chuỗi cung ứng logistics phục vụ nông nghiệp mạnh.
Cũng theo doanh nghiệp trên cho biết, trong một hội nghị xúc tiến đầu tư, từng có ý kiến của địa phương về tìm kiếm các nhà đầu tư xây dựng những tổng kho bảo quản, hỗ trợ nông dân Đắk Lắk ký gửi nông sản được mùa ở đó, chờ cơ hội thị trường tốt hơn. Nhưng lời kêu gọi đó mãi đến nay vẫn chưa thấy chủ đầu tư nào tương tác để làm. Câu hỏi về những tổng kho cho một Buôn Ma Thuột vươn tầm đô thị đầu mối nông sản Tây Nguyên vẫn treo lơ lửng!
Nguyên Đức