Multimedia Đọc Báo in

Xu hướng 4.0 trong bán lẻ, tiêu dùng

08:09, 30/06/2021

Bắt nhịp với xu thế 4.0, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh, tạo thêm nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

Thanh toán không dùng tiền mặt

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, hộ kinh doanh đã mở rộng hình thức thanh toán, cho phép khách hàng thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng hoặc qua các ứng dụng tích hợp trên điện thoại thông minh.

Chị Trần Thị Hương, chủ shop kinh doanh quần áo thời trang trên đường Trần Phú (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nhu cầu mua sắm của khách hàng có giảm sút trong bối cảnh dịch bệnh nên một mặt chị xoay xở bằng cách chú trọng hơn về mảng bán hàng online, mặt khác thì gia tăng thêm các tiện ích để phục vụ khách tốt hơn. Ngoài hình thức thanh toán truyền thống là dùng tiền mặt, chị còn bố trí máy POS để quẹt thẻ, chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng việc chuyển khoản.

Nhân viên Điện lực Ea Kar (thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk) hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện  qua Internet Banking.
Nhân viên Điện lực Ea Kar (thuộc Công ty Điện lực Đắk Lắk) hướng dẫn khách hàng thanh toán tiền điện qua Internet Banking.

Không cần trao đổi tiền mặt trực tiếp như phương thức truyền thống, hiện nhiều người dân đã sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử như ví điện tử, Mobile Banking, Internet Banking, mã QR… hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng.

Chị Phan Thị Minh (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chị hạn chế ra ngoài mà đặt mua hàng trực tuyến tại nhà và thanh toán bằng việc chuyển khoản. Điều này mang lại nhiều tiện lợi cho chị, nhất là hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Tương tự, anh Nguyễn Văn An (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, khi tỉnh có ca nhiễm COVID-19 vừa qua, anh sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn và sau đó thành thói quen. Từ việc nạp tiền điện thoại qua ví điện tử, đặt đồ ăn trả tiền qua app, quét mã QR đến trả tiền điện, nước… anh đều thanh toán thông qua thao tác trên điện thoại. Việc này giúp an toàn hơn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tại Công ty Điện lực Đắk Lắk, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai từ năm 2007. Công ty luôn chú trọng mở rộng liên kết với các ngân hàng, tổ chức thu hộ; có nhiều chính sách ưu đãi đối với khách hàng sử dụng các dịch vụ tiện ích, lựa chọn loại hình thanh toán qua thẻ, qua ATM hoặc các liên kết điện tử khác… để thanh toán tiền điện.

Ông Triệu Hồ Đức, Phó Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Đắk Lắk cho hay, thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, số giao dịch và tổng giá trị thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tăng trưởng khá hơn trước. Tính đến cuối tháng 5-2021, đơn vị đang quản lý, bán điện cho gần 590.000 khách hàng, trong đó có đến 48,7% tỷ lệ hóa đơn thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.

Tích hợp ứng dụng mua sắm trực tuyến

Hơn một năm trở lại đây, trong bối cảnh của dịch bệnh, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn đã nghĩ thêm nhiều cách để tiếp cận khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ số. Một trong số đó là hình thức mua trực tuyến, nhận hàng tại nhà.

Theo đó, khách hàng có thể ngồi ở nhà và đặt hàng theo nhiều hình thức như gọi điện thoại vào số hotline, quét mã QR để đặt hàng trên ứng dụng Zalo hoặc đặt hàng tại website của siêu thị. Khách hàng có thể lựa chọn các mặt hàng cần mua, từ thực phẩm tươi sống đến các vật dụng gia đình. Sau khi nhấn lệnh đặt hàng, nhân viên siêu thị sẽ gọi điện thoại tư vấn và chốt đơn, sau đó tiến hành lựa chọn những sản phẩm mà khách đặt. Trong vòng 3 giờ, phía siêu thị sẽ giao hàng tại nhà (miễn phí trong bán kính 10 km), khách hàng có thể thanh toán bằng nhiều hình thức như chuyển khoản, trả tiền mặt…

Theo đại diện MM Mega Buôn Ma Thuột, dịch vụ mua hàng trực tuyến đang được nhiều khách hàng lựa chọn. Bên cạnh đó, lượng khách đến mua hàng tại siêu thị sử dụng hình thức thanh toán bằng ví điện tử Momo, không dùng tiền mặt cũng tăng đáng kể. Dịch vụ này giúp khách hàng có thể mua sản phẩm một cách thuận tiện và phù hợp ngay trên điện thoại thông minh.

Khách hàng thanh toán bằng ví điện tử Momo tại quầy thu ngân của Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột. Ảnh
Khách hàng thanh toán bằng ví điện tử Momo tại quầy thu ngân của Siêu thị MM Mega Buôn Ma Thuột. 

Chủ động thay đổi để thích nghi với dịch bệnh, Co.opmart Buôn Ma Thuột đã tăng cường chuyển đổi sang xu thế bán hàng trực tuyến, tận dụng lợi thế của Internet và nâng cao chất lượng phục vụ, thêm các tiện ích để tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị cho biết, tính đến nay đơn vị đã bố trí máy quẹt thẻ POS tại tất cả các quầy tính tiền để hỗ trợ khách hàng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt. Từ giữa năm 2019, Co.opmart Buôn Ma Thuột còn triển khai chương trình thanh toán bằng ví điện tử Momo tại các quầy thu ngân. Đặc biệt, gần đây, siêu thị triển khai dịch vụ “đi chợ trực tuyến” qua điện thoại, Zalo, Facebook. Để khuyến khích khách sử dụng dịch vụ, siêu thị đưa ra nhiều ưu đãi, tích điểm thưởng, mã giảm giá để tăng lượng giao dịch. Thời gian qua cho thấy, các đơn hàng online tăng đáng kể, số giao dịch và tổng giá trị thanh toán qua thẻ, ví điện tử cũng nhiều hơn. Sản phẩm được nhiều khách lựa chọn vẫn ưu tiên cho nhóm thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu… 

Theo Sở Công thương, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 5% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị đạt khá cao; 100% siêu thị, trung tâm thương mại, 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông cho phép người dùng thanh toán bằng thẻ và qua các phương tiện điện tử. Đặc biệt, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cách thức mua sắm của người dân trên địa bàn có sự chuyển biến mạnh mẽ. Các mạng xã hội, công cụ bán hàng, thanh toán trực tuyến được người dân truy cập và giao dịch thường xuyên hơn. Hiện nay có khoảng 10% hộ gia đình của TP. Buôn Ma Thuột sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm.

Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.