Tìm "đầu ra" cho nông sản: Bài học từ vụ vải thiều Bắc Giang
10:39, 27/07/2021
Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh đúng dịp Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch trái cây lớn nhất trong năm. Với những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, vấn đề nan giải là tìm "đầu ra" lại hiển hiện trước mắt.
Được xem là vựa trái cây lớn nhất khu vực Tây Nguyên, các loại trái cây như bơ, sầu riêng, mít... nhiều năm nay đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân Đắk Lắk. Tuy nhiên, hầu hết diện tích cây ăn trái của Đắk Lắk được trồng manh mún, chưa thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, chưa xây dựng được thương hiệu... cũng đã khiến người nông dân nhiều phen lao đao bởi điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa". Và năm nay, với sản lượng mỗi loại trái cây lên đến hàng nghìn tấn, từ kỳ vọng một vụ mùa bội thu, giờ đây lại đang trở thành "gánh nặng" cho người nông dân khi mà việc lưu thông, mua bán bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Đây không phải lần đầu tiên nông sản nói chung, mặt hàng trái cây nói riêng của Đắk Lắk phải đối mặt với nguy cơ bị tồn ứ với số lượng lớn. Đã rất nhiều lần, chỉ cần thị trường có chút biến động là nông sản của tỉnh lại gặp khó khăn. Thế nhưng hầu như đến nay vẫn chưa có được giải pháp căn cơ nào được đưa ra.
Sản phẩm vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ tại thị trường Đắk Lắk. |
Nhìn lại câu chuyện tiêu thụ vải thiều Bắc Giang vừa qua là bài học rất đáng để những người có trách nhiệm phải suy nghĩ. Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những tưởng vải thiều sẽ gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Tuy nhiên, với nhiều cách làm sáng tạo của cả người dân lẫn chính quyền các cấp, hàng trăm nghìn tấn vải thiều của Bắc Giang đã được tiêu thụ thành công. Đầu tiên phải kể đến sự vào cuộc rất quyết liệt, bài bản của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trên khắp cả nước. Với sự chung tay của cả nước, thị trường nội địa đã được khơi thông mạnh mẽ, mở đường cho sản phẩm vải thiều tiêu thụ được trên một thị trường rộng lớn mà lâu nay vốn bị “bỏ ngỏ”.
Thế nhưng để “kéo” được cả nước cùng chung tay tiêu thụ vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã phải có kế hoạch, chiến lược kết nối thị trường cụ thể. Có như vậy mới nhận được sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân khắp cả nước.
Một yếu tố cần phải nói rằng, để tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm như thế ở thị trường trong nước, sự vào cuộc trên là chưa đủ nếu chính sản phẩm vải thiều Bắc Giang không chinh phục được người tiêu dùng. Ai cũng biết, ngay từ khâu “đầu vào”, cây vải thiều ở Bắc Giang đã được chăm sóc theo quy trình VietGAP và GlobalGAP từ khá lâu. Cùng với đó nhiều nông dân ở đây còn mạnh dạn triển khai mô hình trồng, chăm sóc vải thiều trong nhà màn theo phương pháp sản xuất hữu cơ. Với uy tín, chất lượng và thương hiệu mà sản phẩm có được, người tiêu dùng trong nước dễ dàng chấp nhận khi có được sự tiếp cận phù hợp.
Cũng với nền tảng vững chắc đó, vải thiều Bắc Giang còn được xuất khẩu thuận lợi theo đường chính ngạch, được thị trường Nhật Bản, Úc, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Cộng hoà Séc, Đức... đón nhận. Đây đều là những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, năm nay vải thiều Bắc Giang còn được giới thiệu, đưa lên quảng bá, bán hàng tại các sàn thương mại điện tử uy tín như: Sendo (FPT), Voso (Viettelpost), Tiki-BigC/GO, Shopee, Lazada, Postmart (Vnpost) và dacsanlucngan.vn.
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, vải thiều Bắc Giang cũng đã đại diện cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu sang EU qua mô hình “thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng số của Việt Nam, do người Việt Nam vận hành.
Trở lại với sản phẩm trái cây Đắk Lắk, đến nay đa phần vẫn được tiêu thụ rất manh mún, còn xuất khẩu thì chủ yếu vẫn theo đường tiểu ngạch. Trong khi việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm… gần như “dậm chân tại chỗ” trong nhiều năm nay, thì công tác kết nối thị trường cũng chưa thực sự đáp ứng thực tế.
Sầu riêng của Đắk Lắk bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ dù giá đã xuống rất thấp. |
Ở hoàn cảnh bình thường, việc tiêu thụ sản phẩm đã không dễ dàng thì khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào thời điểm thu hoạch, việc tiêu thụ lại càng khó khăn hơn. Thời điểm này, “nóng” nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, viễn cảnh tồn ứ đang dần hiển hiện.
Điều này đã được dự báo từ trước, nhưng rất tiếc là cơ quan chức năng địa phương chưa có động thái rõ ràng, cụ thể nào để giải quyết. Thậm chí có một thông tin khá bất ngờ là khi được hỏi về sự chuẩn bị và những giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sầu riêng của tỉnh, lãnh đạo một cơ quan chuyên môn của tỉnh tiết lộ rằng, đã yêu cầu các địa phương thống kê sản lượng để có phương án cụ thể. Thế nhưng các địa phương dường như lại "thờ ơ" với việc này khi chưa có báo cáo hoặc báo cáo rất chung chung, gây khó khăn cho cơ quan chuyên môn trong việc nắm bắt thực tế, kết nối tiêu thụ.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và người nông dân trên địa bàn tỉnh trong việc nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm nông sản thời gian qua. Thế nhưng, để nông sản nói chung, trái cây Đắk Lắk nói riêng thoát cảnh “bấp bênh” khi thị trường biến động, cần lắm những bước đi bài bản hơn nữa từ việc nâng tầm thương hiệu đến kết nối tiêu thụ sản phẩm của địa phương. Và vụ vải thiều thành công trong đại dịch COVID-19 của Bắc Giang là bài học quý, đáng để suy nghĩ và học hỏi.
Giang Nam