Xã Ea Kpam (huyện Cư M'gar): Nỗ lực "về đích" nông thôn mới nâng cao
Năm 2016, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chính quyền và người dân nơi đây đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực và phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận quyết tâm "về đích" nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2021.
Tính đến nay, xã Ea Kpam đã đạt 18/20 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Hai tiêu chí chưa đạt là tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Ông Phạm Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kpam cho biết, trong hai tiêu chí chưa đạt thì tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất được địa phương xác định là nội dung hết sức quan trọng để hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập. Thời gian qua, bên cạnh nỗ lực hoàn thành các tiêu chí khác thì xã đã dồn lực, tạo điều kiện tối đa cho lĩnh vực kinh tế hợp tác phát triển nhằm hoàn thành tiêu chí số 13.
Để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí 13 phải đạt được hai yếu tố: xã có hợp tác xã (HTX) hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012 và có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm bền vững. Đây là yêu cầu được nhiều địa phương trong tỉnh đánh giá là khó làm và khó duy trì.
Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Ea Kpam. |
Để đáp ứng tiêu chí này, xã Ea Kpam đã tìm cách phát huy lợi thế có sẵn về chăn nuôi để hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tạo liên kết trong sản xuất. Theo đó, xã đã ban hành nghị quyết riêng về việc tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2021. Trong đó, bên cạnh tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết, chủ động đóng góp xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thì xã sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao các tiêu chí như tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo; thực hiện mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hướng dẫn chỉnh trang, cải tạo vườn hộ, bố trí cây trồng hợp lý...
Toàn xã hiện có hai HTX hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, với gần 40 thành viên tham gia. Các HTX đứng chân trên địa bàn đang từng bước chú trọng hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo mối liên kết trong sản xuất và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ông Nguyễn Trung Sỹ, Giám đốc HTX Hồ tiêu Ea Kpam cho hay, HTX hiện có 28 thành viên tham gia, với diện tích sản xuất 20 ha. Thời gian qua, HTX đã nỗ lực hỗ trợ, khuyến khích thành viên đầu tư, chú trọng khâu chăm sóc, canh tác theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao giá trị cho hồ tiêu Ea Kpam, phấn đấu sản phẩm đạt các tiêu chuẩn OCOP để thuận lợi trong việc bán sản phẩm ra thị trường.
Tính đến nay, tổng đàn gia súc như bò, heo, dê trên địa bàn hiện có hơn 2.900 con, đàn ong có 4.000 thùng, gia cầm có khoảng 16.000 con, diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản 31 ha. Dựa trên lợi thế có sẵn này, từ cuối năm 2020, địa phương đã tập trung củng cố tổ chức sản xuất để hướng đến thành lập HTX Chăn nuôi Ea Kpam hoạt động theo Luật HTX 2012 vào năm 2021. Trước mắt, đã có 9 thành viên tự nguyện tham gia HTX, chính quyền nơi đây đang tích cực vận động người chăn nuôi tham gia vào HTX để được hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, nâng cao giá trị chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân.
Trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện ở địa phương, xã còn định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả. Trên địa bàn xã Ea Kpam đang có các mô hình nuôi dê nhốt chuồng đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao, xã đang xây dựng sản phẩm thịt dê thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm lợi thế của địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hữu Lộc, để thực sự đạt tiêu chí số 13 mà cụ thể là phát triển kinh tế tập thể thì đòi hỏi phải có sự hợp tác của nông dân trên cơ sở tự nguyện. Do đó, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để tạo chuyển biến trong nhận thức, vận động để người dân thấy được lợi ích của việc làm ăn tập thể, từ đó, họ mới tự giác tham gia vào HTX.
Đỗ Lan