Multimedia Đọc Báo in

An sinh xã hội nông thôn: Nhìn từ thành tựu xóa đói giảm nghèo

07:17, 30/04/2010

Trong đợt giám sát mới đây tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá: việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo ra diện mạo mới cho vùng này, tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng phát triển bền vững, nhất là trên lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng và các chính sách an sinh xã hội.

Mái ấm từ Chương trình 167
Ngay sau khi có Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện  Krông Bông đã ban hành nhiều văn bản phê duyệt và hướng dẫn Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nhằm đạt được mục tiêu bảo đảm cho hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, không phải sống trong tình trạng nhà dột nát. Theo đó, các đối tượng được ưu tiên hỗ trợ nhà ở ngay trong năm 2009 đều là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chưa có nhà hoặc đã có nhưng quá tạm bợ, dột nát, không có khả năng tự cải thiện. Từ chương trình hỗ trợ này, toàn huyện đã có 354 hộ nghèo, khó khăn về nhà ở có được nhà mới. Tổng nguồn kinh phí đầu tư hỗ trợ trên 7 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương gần 2,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 1 tỷ đồng, ngân sách huyện 708 triệu đồng, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách -  Xã hội trên 2,8 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công được huy động từ các nhà hảo tâm và bà con dòng họ của những gia đình được thụ hưởng chương trình đóng góp.

Trong căn nhà còn thơm mùi vôi mới, già Aê Kler ở buôn Băng Kung, xã Ea Trul vui mừng: “Mình nghèo lắm, không có nhà để tránh mưa, tránh nắng, nay nhờ có Chương trình 167, được nhà mới mừng quá! Từ nay không lo phải chạy nắng, chạy mưa nữa!” Còn bà Amí Wer ở buôn Ja, xã Ea Trul xúc động: “Cả đời mình không dám mơ có được căn nhà đàng hoàng thế này. Ơn Đảng, ơn Nhà nước nhiều lắm!”
Từ kết quả đạt được trong năm 2009, Ban điều hành Chương trình 167 của huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành chuơng trình này ngay trong năm 2010, rút ngắn thời gian sớm hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu. Trong năm nay, toàn huyện sẽ triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 851 hộ nghèo với tổng nguồn kinh phí được duyệt trên 17 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến ngày 19-5-2010 toàn huyện phấn đấu hoàn thành, bàn giao 581 căn nhà cho 581 hộ, 270 ngôi nhà còn lại dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao vào ngày 2-9-2010.

Cuộc sống mới ở buôn làng.
Cuộc sống mới ở buôn làng.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân
Từ khi có chủ trương đào tạo nghề miễn phí của Chính phủ (2006) đến nay, Dak Lak đã đào tạo miễn phí cho trên 10 nghìn lao động nông thôn, người nghèo, người DTTS, góp phần  tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề lên 26,5%. Riêng năm 2009, đã có 3.758 người (2.133 người DTTS; 1.602 nữ; 33 người thuộc hộ nghèo…) được đào tạo nghề miễn phí với tổng kinh phí 4,25 tỷ đồng. Với hình thức đào tạo theo nhu cầu của người dân, ngành nghề phù hợp với đặc điểm từng địa phương, chủ động tìm đầu ra cho người lao động trước khi mở lớp, cùng liên kết với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm…, sau các khoá học, hầu hết học viên đều có việc làm hoặc áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất đạt hiệu quả cao, cải thiện được cuộc sống gia đình. Ở nhiều địa phương, một số ngành nghề đào tạo được người nông dân rất ưa chuộng và phát huy hiệu quả như: kỹ thuật trồng nấm ở huyện Krông Ana; chăn nuôi, thú y ở huyện Cư M’gar; kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, sửa chữa máy nông nghiệp ở huyện Krông Pak, Ea Kar… Bên cạnh đó, một cách làm  nữa đã thu hút nông dân nghèo học nghề là việc gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm cho họ ở một số đơn vị: Công ty May Dak Lak; Trung tâm dạy nghề tư thục (sửa chữa xe máy) Ba Chánh; Trung tâm Dạy nghề Hoàng Vân (may dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp ở huyện Cư Kuyn); HTX mây tre đan- dệt thổ cẩm Ea Kao… 

Để tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề cho nông dân, đầu năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, Đề án đặt mục tiêu từ nay đến 2015, phấn đấu đến 2020, trung bình mỗi năm đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo từ 20% năm 2010 lên 50% vào năm 2020. Thời gian tới, Sở LĐTB&XH tiếp tục phấn đấu triển khai tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, người tàn tật. Dự kiến, trong năm 2010 sẽ có thêm 1.667 lao động được đào tạo nghề miễn phí, thời gian bình quân 4 tháng/ khóa học với nguồn kinh phí là 2,45 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Đàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trong tỉnh là rất lớn vì vậy Sở đang điều chỉnh lại phần dạy nghề cho lao động nông thôn trong Đề án “Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2015 và định hướng năm 2020” cho phù hợp hơn với chủ trương mới của Chính phủ. Trong đó, không chỉ chạy theo số lượng mà quan trọng là chú ý đến chất lượng dạy nghề và nhu cầu được đào tạo đúng nghề của nông dân để họ sớm có việc làm phù hợp. 

Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách, chương trình dự án giảm nghèo, an sinh xã hội cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Các chương trình mục tiêu Quốc gia đang có nhiều đổi mới trong phương thức thực hiện nhằm hướng đến giảm nghèo bền vững. Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010) được triển khai chặt chẽ, bài bản hơn trước, trong đó điểm mới là giao cho xã làm chủ đầu tư,  nên ở hầu hết các xã đặc biệt khó khăn đều giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, mức thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên. Đến nay, nhiều xã đã hoàn thành các mục tiêu cơ bản của Chương trình. Điển hình như  Ea Tam (huyện Krông Năng), thuộc diện xã đặc biệt khó khăn của huyện với gần 90% người dân là đồng bào DTTS, việc thực hiện lồng ghép Chương trình có hiệu quả cao, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 10 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Đại Hà - Chủ tịch UBND xã cho biết, việc Ban chỉ đạo tỉnh, huyện giao cho xã làm chủ đầu tư tạo sự phấn khởi trong bà con, vì cấp xã là nơi gần dân nhất, lựa chọn đầu tư sát thực theo nguyện vọng của nhân dân. Từ đó nhận được sự đồng tình tham gia của bà con vào xây dựng và bảo quản các công trình thuộc Chương trình 135, theo phương châm “xã có công trình, dân có việc làm”. Tỷ lệ hộ nghèo 3 năm qua giảm từ hơn 30% xuống còn 20%, đến năm 2010, xã Ea Tam đã tự tin bước ra khỏi danh sách các xã thụ hưởng Chương trình 135.

Trong Chương trình trợ giá trợ cước, tỉnh cũng có cách làm mới mang tính đột phá là sử dụng nguồn vốn trợ giá trợ cước để đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo đồng bào DTTS ở các xã, thôn buôn đặc biệt khó khăn thay cho việc cấp gạo cứu đói như trước. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, chương trình chú trọng việc chuyển đổi vật nuôi cây trồng, chuyển giao kỹ thuật, giúp đồng bào tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất của mình. Một nét mới nữa là người dân được trực tiếp tham gia bàn bạc, bình xét công khai dân chủ để  lựa chọn hộ được hỗ trợ đầu tư cũng như loại cây, con giống. Mô hình được lựa chọn nhiều nhất là hỗ trợ giống bò cái sinh sản vì nó phù hợp với khả năng và tập quán sản xuất của người dân. Qua 3 năm, Chương trình đã đầu tư hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và vật tư sản xuất  cho hơn 33 ngàn lượt hộ ở các xã vùng 3, các thôn buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn của 13 huyện trong tỉnh với kinh phí hơn 37 tỷ đồng, trong đó có gần 10.000 hộ được cấp bò cái sinh sản với kinh phí đầu tư gần 27 tỷ đồng, chiếm 68% tổng nguồn vốn. Số bò này đều được tiêm phòng và được kiểm tra chăm sóc nên sinh tăng gấp đôi như xã Ea Nuôl huyện Buôn Đôn, xã Nam Ka huyện Lak…
Theo Ban Dân tộc tỉnh, hình thức đầu tư trực tiếp đến tận cơ sở khiến người dân thêm phấn khởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước, nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng lợi từ chương trình, cải thiện đời sống cho chính gia đình họ. 3 năm qua tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS đã giảm mỗi năm hơn 4%. Có thể nói, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo đã và đang triển khai trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội ở nông thôn. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã tự lực tự cường, phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

 

Lê Hồng Huyền

 


Ý kiến bạn đọc