Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân: Góp phần chăm lo đời sống người lao động

14:53, 05/05/2010

Xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân là một trong những cách để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút lao động và tạo điều kiện giúp cán bộ, công nhân viên bớt nỗi lo về chỗ ở, an tâm lao động sản xuất và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Phút thư giãn sau giờ làm việc của cán bộ công nhân viên Xí nghiệp khai thác và chế biến quặng Felspat Ea Sô.
Phút thư giãn sau giờ làm việc của cán bộ công nhân viên Xí nghiệp Khai thác và chế biến quặng Felspat Ea Sô.

Bên cạnh khu vực xưởng chế biến quặng Felspat ầm ào tiếng máy và bụi tại xã Ea Sar (Ea Kar) là một khu vực khá rộng với nhiều cây xanh, sân bóng chuyền và hai dãy nhà tập thể sạch sẽ, khang trang dành cho công nhân của Xí nghiệp khai thác và chế biến quặng Felspat Ea Sô (thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Dak Lak). Anh Lê Ngọc Thuyên, quê Quảng Ngãi đã ở khu tập thể này ngay từ những ngày đầu mới được nhận vào làm công nhân bộ phận chế biến, tính đến nay đã 11 năm. Anh cho biết: “Trước đây phòng có 4 người nhưng mọi người đã lập gia đình và ra ở riêng hết nên phòng này hiện chỉ có mình tôi. Có chỗ ở miễn phí, phòng ở sạch sẽ, thoáng mát lại có cả tivi, bếp ăn tập thể bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng nên tôi rất yên tâm công tác”. Khu tập thể gồm 14 phòng ở với diện tích khoảng hơn 20 m2/phòng, nền lát gạch hoa, có quạt máy và ti vi. Ngoài ra, xí nghiệp còn xây dựng một nhà ăn tập thể, sân bóng chuyền và phòng tập bóng bàn cho công nhân. Theo anh Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Xí nghiệp cho biết, đơn vị  hiện có 36 cán bộ, công nhân viên. Để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho công nhân (phần lớn là lao động đến từ các huyện, tỉnh xa) nên ngay từ khi được thành lập (năm 2000), xí nghiệp đã xây dựng khu tập thể thay thế cho dãy nhà ván lợp tôn tạm bợ, ọp ẹp, nóng nực và thiếu tiện nghi. Đối với những công nhân có nhu cầu mua đất, xây nhà riêng thì xí nghiệp hỗ trợ bằng cách cho xe chở đất và cung cấp đá xây dựng miễn phí. Những năm qua, khá đông công nhân đã chọn Ea Kar làm nơi sinh cơ lập nghiệp lâu dài, lập gia đình và mua đất dựng nhà riêng; vì thế hiện khu tập thể chỉ còn khoảng 10 người ở. Anh Hồ Sỹ Trung, công nhân kỹ thuật điện bộc bạch: “Tôi vào công tác tại xí nghiệp đã được 10 năm. Những ngày đầu chân ướt chân ráo từ Nghệ An vào làm công nhân khai thác đá xây dựng và quặng Felspat ở đây, nếu không có nhà ở tập thể thì chúng tôi sẽ rất khó khăn. Được ở khu tập thể khá thoải mái, tiện nghi, mức lương cũng được cải thiện hơn (hiện mức lương bình quân của công nhân là 2,3 triệu đồng/người), tôi đã gắn bó luôn với xí nghiệp và vùng đất này. Năm 2004, sau khi lập gia đình, tôi đã mua đất, xây nhà. Lúc đó, xí nghiệp cũng đã hỗ trợ bằng cách cho đá xây dựng, giúp xe chở đất nên chi phí xây nhà giảm đi rất nhiều”.
Cũng xuất phát từ nhu cầu cần nhà ở của công nhân và muốn người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, Công ty Lương thực Vật tư nông nghiệp Dak Lak đã xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân làm việc tại công ty. Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Tổng số lao động của công ty hiện có là 270 người, trong đó có 210 lao động đang làm việc tại 2 nhà máy đứng chân trên địa bàn xã Dang Kang (huyện Krông Bông) và Ea Sar (huyện Ea Kar). Trước thực tế số công nhân còn độc thân nhiều, lại gặp khó khăn về nhà ở, công ty đã dành quỹ đất gần 850m2 để xây dựng 3 dãy nhà, 30 phòng (2 dãy, 20 phòng tại Ea Sar, Ea Kar và 1 dãy 10 phòng tại Dang Kang, Krông Bông) khá khang trang với công trình vệ sinh khép kín để đáp ứng nhu cầu ăn ở của công nhân. Xác định việc vui chơi giải trí sau giờ làm việc là một nhu cầu thiết thực, công ty còn dành quỹ đất làm sân chơi thể thao, xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa, nhà hội họp và bếp ăn tập thể cho công nhân. Với đặc thù của các nhà máy là công nhân làm việc 3 ca liên tục trong ngày, do đó, ngoài việc xây dựng nhà ở, công ty còn duy trì đều đặn hoạt động của các bếp ăn tập thể để bảo đảm bữa ăn ca cho nhân viên. Được quan tâm, chăm lo về nơi ăn, chốn ở, cộng với mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung (thu nhập trung bình của công nhân năm 2009 đạt 6 triệu đồng/người/tháng), hầu hết người lao động đều yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với công ty.
Đánh giá về vấn đề này, bà Võ Thị Hòa, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế-xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh nhận định: Việc xây dựng nhà ở tập thể cho người lao động đã thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với đời sống người lao động và chia sẻ phần nào khó khăn của người lao động trong cơn “bão giá”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng nhà ở cho người lao động vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi số lao động có khó khăn về nhà ở phải đi thuê trọ bên ngoài lại rất đông…
Rõ ràng, nhà ở tập thể là một nhu cầu thiết thực, là mong muốn của rất nhiều công nhân lao động, nhất là những lao động đến từ các địa phương khác, đồng thời đây cũng là một trong những điều kiện để doanh nghiệp thu hút lao động nhằm ổn định sản xuất. Do đó, trong thời gian tới tỉnh ta cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở tập thể cho người lao động để cùng tham gia vào hoạt động chăm lo đời sống người lao động.

Kim Oanh - Hồng Thủy

 


Ý kiến bạn đọc