Multimedia Đọc Báo in

CLB Người khuyết tật xã Quảng Tiến (huyện Cư M’ gar):

Điểm tựa của những người không may mắn

07:28, 13/08/2010

Vượt qua mặc cảm, khó khăn, họ tìm đến với nhau như một mái nhà che chở, cùng chia sẻ, cất cao lời ca tiếng hát để có niềm tin đứng dậy, tiếp thêm nghị lực, yêu đời và sống có ích.

Dù đi lại khó khăn nhưng ai cũng có mặt đông đủ, niềm vui gặp mặt hiện rõ trên từng khuôn mặt mọi người. Không ồn ào, 32 thành viên ngồi quay quần tâm tình với nhau như những người cùng chung một gia đình. Một giọng hát khe khẽ cất lên ở cuối phòng bắt nhịp rồi tất cả cùng hát theo. Đó là buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Người khuyết tật (CLBNKT) xã Quảng Tiến, (huyện Cư M’gar).

Được thành lập năm 2006, đến nay, CLBNKT xã Quảng Tiến có 32 thành viên và đã trở thành điểm tựa tin cậy của những người kém may mắn trong địa phương. Mỗi người mang trong mình những khuyết tật riêng, người nhỏ gầy, tật nguyền, ngồi trên xe lăn, người bị thiểu năng trí tuệ hoặc ngơ ngơ ngác ngác do bẩm sinh, chiến tranh để lại hay do gặp phải những bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống… lại hội tụ về đây cùng chia sẻ, động viên nhau, lấy lời ca tiếng hát làm niềm tin vực dậy khát vọng sống. Được biết, đội hoạt động được là nhờ công lao của anh Nguyễn Thành Hoàng, người đã dành nhiều tâm huyết chăm lo cho người khuyết tật ở xã Quảng Tiến. Anh đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm giúp đỡ, thành lập CLBNKT làm cầu nối giữa cộng đồng với những người không lành lặn ở địa phương. Anh thường xuyên đến tận nơi, gặp gia đình, bản thân anh chị em khuyết tật để thăm hỏi, động viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tìm cách giúp họ cải thiện cuộc sống.

Anh Nguyễn Thành Hoàng, Chủ nhiệm CLB NKT xã Quảng Tiến đang trao đổi với thành viên Nguyễn Văn Ửng.
Anh Nguyễn Thành Hoàng, Chủ nhiệm CLB NKT xã Quảng Tiến đang trao đổi với thành viên Nguyễn Văn Ửng.

Trong các buổi sinh hoạt, ngoài việc chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, các thành viên trong CLB còn trao đổi về kỹ thuật tập luyện, kinh nghiệm làm ăn… Đặc biệt, năm 2007, được Tổ chức Nhân đạo MCNV (Hà Lan) hỗ trợ với số vốn 21 triệu đồng, CLB giúp nhau làm kinh tế bằng cách cho vay xoay vòng vốn. Đến nay, tất cả thành viên của CLB đều hòa nhập tốt với cộng đồng, có vốn để đầu tư sản xuất, cuộc sống dần đi vào ổn định, những em bé khuyết tật được tạo điều kiện để đến trường…  Anh Phùng Luận (thôn Tiến Cường), cha của em Phùng Hoài Ngọc bị bại não, liệt toàn thân, 14 năm liền gắn với đời sống thực vật, bao nhiêu tiền của đổ dồn hết vào tiền thuốc cho con. Năm 2007, nhờ được vay 3 triệu đồng của CLB, lần đầu tiên sau mười mấy năm ôm con nằm viện, anh chị mới có được đồng vốn để tính đến chuyện đầu tư nuôi heo. Từ đó đến nay, nhờ chăn nuôi có hiệu quả, gia đình anh đã có thêm được chút ít tiền trang trải cho cuộc sống. Còn anh Nguyễn Bá Lên (thôn Tiến Đạt) bị tật ở chân, đi lại khó khăn, được bạn bè động viên và hỗ trợ cho vay 3 triệu đồng để cộng vào vốn kinh doanh cửa hàng ăn uống… Có tiền đầu tư mua thêm nguyên vật liệu, đồ đạc, công việc kinh doanh đã mang lại thu nhập đáng kể. Phấn khởi với thành quả ban đầu đó, vợ chồng anh càng củng cố ý chí làm giàu của mình. Anh nói, CLB không chỉ là chỗ dựa tinh thần để vơi bớt nỗi đau, vượt qua những mặc cảm mà còn giúp anh có công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng. Anh còn cho biết thêm, vợ chồng anh sẽ cố gắng làm ăn để bù lại những khiếm khuyết. Tham gia sinh hoạt trong CLB, mỗi thành viên tìm ra được điểm tựa cho chính mình. “Đó như một sự cộng lực, giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống”- anh Nguyễn Văn Ửng, một thành viên của CLB nói trong xúc động nói.

Cứ sáng chủ nhật, họ lại rủ nhau, người trên chiếc xe lăn, kẻ chống nạng, hoặc được người thân đưa tới hội trường một thôn nào đó để sinh hoạt. Tiếng nhạc bật lên từ chiếc máy Cassette cũ ở góc phòng, bài hát “Hát cho mọi người” của nhạc sĩ Quốc An vang lên. Một người trong đội đứng lên đưa tay ra hiệu, các thành viên còn lại hăng say tập hát say sưa, miệng khó nhọc phát ra từng ca từ điệu nhạc. Tiếng nhạc vẫn rộn ràng, những người chân, tay không còn nguyên vẹn, những đôi mắt không còn nhìn ra ánh sáng… (trong đó có cả các em thiếu nhi) ê a hát theo, vẫy vẫy những cánh tay lên cao đồng xướng, cố hát theo từng điệu nhạc. Bài hát mới tập được một nửa, anh Nguyễn Bá Lên, Phó chủ nhiệm phụ trách văn nghệ của CLB, chống nạng đến chỗ từng người một, chỉ từng vị trí đứng, dắt bước chân sao cho thẳng hàng, dẫn ra từng câu hát rời rạc để luyện tập. Anh nói, một câu phải hát đi hát lại đến cả chục lần mọi người mới nhớ nổi. Nhạc bật lên, còn phải cố vừa hát vừa đợi nhau để được đồng thanh, tập cho thành thạo một bài đồng ca như thế, phải mất ít nhất 2 tháng rưỡi.

Đội văn nghệ của CLBNKT giờ đã có đến 12 thành viên biểu diễn không kém phần “chuyên nghiệp” tại các hội diễn văn nghệ của xã và giao lưu với các CLB trong tỉnh. Anh Lên kể, lúc đầu, đội văn nghệ chỉ có 4 thành viên, động viên mãi mà mọi người không chịu tham gia vì mặc cảm. Về sau, có người đứng ngoài xem các bạn biểu diễn, thấy say mê quá rồi không ai bảo ai, tự động hăng hái tham gia ngày càng nhiều. Đội chủ yếu biểu diễn được ở tiết mục đồng ca và đơn ca, một vài người có sẵn chất giọng thì cho hát một mình. Rồi rủ nhau tự đi tìm “thầy” học thêm đàn Organ, Ghitar… Đến bây giờ, Đội không những có dàn hợp xướng mà còn có cả “nhạc công”, tự chơi đàn tự hát. “Dù gì cũng nên có một hoạt động nào đó để mọi người đam mê đặng quên đi những cơn đau đang dày xéo. Hơn nữa, đó cũng là sân chơi duy nhất dành cho chúng tôi…”, anh nói.

Một đội văn nghệ mà khi đứng trên sân khấu thấp thoáng những chiếc xe lăn, cây nạng gỗ xen lẫn những dáng người gầy, nhỏ lọt thỏm vào trong, đã khơi dậy niềm tin sống và giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Mỗi một tiết mục được tập luyện công phu và cất lên cho được đồng thanh như thế, là một màn chào hỏi trước cuộc đời, niềm khao khát hòa nhập của những tâm hồn không hề tật nguyền. Và tiếng hát ấy cất cao,  tác động tích cực đến mỗi thành viên, từ mặc cảm đi đến tự tin, tiếp thêm nghị lực và mở ra khát vọng sống cho những đôi chân, ánh mắt không lành lặn.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc