Dòng máu mới cho bạn, cho tôi
Đây là chủ đề của Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè năm 2010” được thực hiện từ ngày 8-5 đến ngày 30-8. Với ý nghĩa nhân văn đó, chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, thu được trên 1.600 đơn vị máu sạch, góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu dự trữ trong cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện hiện nay.
Giọt máu hồng nhân đạo
Sau hơn 2 tháng triển khai chiến dịch, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức được 11 đợt hiến máu tình nguyện với sự tham gia của các địa phương, đơn vị: Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Ea Kar, Đoàn khối Cơ quan Dân – Chính - Đảng tỉnh, Đoàn khối Doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak và Trường Đại học Tây Nguyên… thu được trên 1.600 đơn vị máu sạch. Theo ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh có một sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện. Thay vì lo sợ cho máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân đã hiểu ý nghĩa cao đẹp, nhân văn của hành động hiến máu cứu người. Nếu như các năm trước, đối tượng cho máu chủ yếu chỉ là thanh niên, sinh viên, thì tại Chiến dịch những giọt máu hồng hè năm nay, có rất đông cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động, nhất là ĐVTN khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số. Anh Trần Chí Thông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) người 4 lần tham gia hiến máu nói: “Sức khỏe mình bảo đảm thì tham gia, hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe hay công việc. Lần đầu tiên tôi đi hiến máu vì phong trào chung, sau này nhân thấy việc làm cũng đem lại một niềm vui nho nhỏ nên gắn bó”. Ông Trịnh Xuân Nghĩa, giáo viên lớp học tình thương Vinh Sơn (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “AB là nhóm máu hiếm. Không ít người bệnh khi lên đến bàn mổ, nhưng lại không có đủ lượng máu cần thiết. Mình lại được cha mẹ ban cho nhóm máu hiếm ấy, nên đã tham gia hiến máu 10 lần”.
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh hưởng ứng Chiến dịch "Những giọt máu hồng hè năm 2010". |
Những mô hình cần nhân rộng
Hưởng ứng Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè năm 2010”, Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên đã ra mắt Câu lạc bộ (CLB) sinh viên tình nguyện vận động hiến máu, với sự tham gia của 50 thành viên. CLB đã chia thành 9 nhóm đến từng lớp, ký túc xá, khu nhà trọ có đông sinh viên (SV) để tuyên truyền về ý nghĩa của việc tham gia hiến máu, giải thích những băn khoăn, lo lắng của SV liên quan đến việc hiến máu. Hình thức tuyên truyền trực tiếp đã làm thay đổi nhận thức của đông đảo SV. Điều này thể hiện rõ, trong đợt hiến máu vừa rồi, Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên được giao kế hoạch chỉ lấy 100 đơn vị máu, nhưng có đến 500 SV đăng ký, thu được 130 đơn vị máu sạch. Không dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện phạm vi trường đang học, các thành viên CLB đã trở thành những tuyên truyền viên tiếp tục tuyên truyền về hiến máu nhân đạo tại địa phương khi về nghỉ hè, góp phần vào sự thành công của chiến dịch “Những giọt máu hồng hè 2010”. Anh Nguyễn Tiến Chương, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, SV là chủ nhân của đất nước, gia đình trong tương lai gần, do đó, sự thay đổi nhận thức của SV về ý nghĩa của hành động cho máu nhân đạo sẽ quyết định đến các hoạt động nhân đạo từ thiện của cả một thế hệ sau này.
Ngoài CLB sinh viên tình nguyện vận động hiến máu của Trường Đại học Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh đã thành lập thêm 3 CLB hiến máu dự bị thuộc Thành Đoàn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Đoàn khối Cơ quan Dân – Chính - Đảng tỉnh, thu hút gần 1.000 thành viên. Đây là lực lượng sẵn sàng cho máu cấp cứu bệnh nhân khi cần thiết. Hưởng ứng Chiến dịch “Những giọt máu hồng hè năm 2010”, CLB hiến máu dự bị Thành Đoàn vừa có 4 thành viên tham gia hiến máu cứu người đột xuất theo sự điều động của Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh. Ông Lê Xuân Hồng khẳng định: “Không có những tấm lòng thiện nguyện của những người tình nguyện thì Dak Lak không thể là một trong 10 tỉnh, thành đi đầu cả nước trong phong trào hiến máu nhân đạo. Chỉ tính riêng trong năm 2009, toàn tỉnh thu được 5.380 đơn vị máu sạch, đáp ứng trên 90% lượng máu cho cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn, tăng gấp 18 lần so với năm 2003 và hiện nay không còn người đi cho máu chuyên nghiệp”
Mùa hè và Tết Nguyên đán là hai thời điểm cần rất nhiều lượng máu cho cấp cứu và điều trị, từng nghĩa cử cao đẹp của mỗi cá nhân sẽ góp phần cứu sống thêm những bệnh nhân đang cấp cứu và điều trị tại các bệnh viện.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc