Multimedia Đọc Báo in

Mối nguy từ nghề “nuôi sâu”

17:00, 13/08/2010

Những năm gần đây, thú chơi sinh vật cảnh ngày càng phát triển ở tỉnh ta, không chỉ ở phố thị mà còn xuất hiện ở các thôn, buôn. Không ít người đầu tư nhiều công phu và tiền của cho thú chơi này. Những loại chim cá cảnh quanh năm “xài” đồ khô, thức ăn công nghiệp được xếp vào hạng “xoàng”. Chim, cá cảnh càng quý, “nghề chơi” càng công phu và tốn kém. Với những con cá Rồng trị giá hàng chục triệu, thậm chí đến trăm triệu, hay chú chim họa mi giá cả ngàn đô la, ngoài việc chủ nhân trang bị cho chúng những chiếc bể, chiếc lồng có giá trị tương xứng, chuyện ăn uống của chúng cũng có cả một “công nghệ” phục vụ. Chim, cảnh ăn côn trùng tươi sống như: sâu bọ, rết, thạch sùng, gián, chuồn chuồn, châu chấu... trông sẽ đẹp mã hơn, siêng hót và hót hay, cá quý sẽ khỏe mạnh bơi lội. Song, những thứ thức ăn thiên nhiên này không phải dễ kiếm và ngày nào cũng có. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu về thức ăn tươi sống cho chim, cá cảnh,  một nghề mới đã xuất hiện: nghề nuôi sâu.
Hầu hết các cơ sở bán chim, cá cảnh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều bán thức ăn kèm theo và nhiều dịch vụ khác. Chị H., chủ một cơ sở bán chim kiêm nuôi sâu, bán sâu ở đường Phan Bội Châu không hề dấu giếm: “Lúc đầu tôi đã phải mất nhiều công sức đi học nghề nuôi sâu ở một số địa phương khác và bỏ ra một số vốn để mua sâu giống về nuôi…”. Trong một căn nhà ống nhỏ của chị H., có đến mấy chục chậu sâu, chồng thành nhiều tầng,  nhung nhúc trong chiếc chậu to toàn là sâu. Loại sâu này thân hình tròn, màu đồng nhẵn bóng, béo mập, hai hàm răng như hai gọng kìm khua liên tục. Chúng không ngớt vận động trong tư thế lổm ngổm, con chui lên, con bò xuống tìm kiếm thức ăn. Độ dày của chậu nuôi sâu khoảng bốn, năm phân, mỗi chậu chứa được khoảng 800 - 1.000 con. Sâu được phân loại lứa nào ra lứa đó, đủ mọi kích cỡ từ bằng cái kim, cái tăm cho đến đầu đũa. Theo quan sát, loại sâu này rất giống sâu thép có răng cực sắc, thường chui xuống cắn ngang  gốc cây lạc non, chỉ khác là thân có vẻ mềm hơn. Được hỏi về nguồn gốc loại sâu này, chị H. lưỡng lự: “Chúng tôi nhập trứng từ Trung Quốc về, sau đó cho nở thành sâu rồi bán ra thị trường. Từ lúc sâu con nở đến khi bán được chỉ mất hơn 3 tuần”. Loại sâu này rất phàm ăn, từ lá cây, cành cây non, cám gạo, cám ngô, bí, vỏ dưa hấu, hoa quả các loại, khoai tây, cà rốt, thậm chí đến cả... đầu cá chúng cũng xơi rào rào. Trung bình một lon sâu giá 5.000 đồng. Nhà chị đã thực hiện khâu nhân giống sâu khá hiệu quả, lúc nào cũng có sâu gối lứa, đủ các cỡ tuổi.

 

Một số địa điểm bán chim cảnh ở đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Cừ, các xã Hòa Thắng, Hòa Đông cũng là nơi cung cấp lượng sâu khá lớn cho dân chơi chim cảnh ở thành phố và các huyện. Nghề nuôi sâu có vẻ ngày càng ăn nên làm ra bởi nhu cầu rất lớn. Cá Rồng, một loại cá được dân chơi rất chuộng vì chúng được cho là mang lại tài lộc cho gia chủ với trị giá từ vài ba chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng, có món khoái khẩu là thịt sâu tươi. Với giá mỗi lon sâu khoảng 5.000 đồng, khẩu phần ăn mỗi tháng của loại cá này ít nhất cũng tốn khoảng 600 - 700 nghìn đồng/con. Các loại chim như chích chòe than, chòe lửa, khiều, nhồng… cũng đều ăn sâu. Một chủ quán bán chim ở chợ Hòa Đông cho biết mỗi tháng anh tốn hàng triệu đồng mua sâu nuôi bầy chim trong nhà.
 

Có thể nói, nghề nuôi sâu tự phát đang tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa đến môi trường, sinh thái. Các chủ cơ sở nuôi, bán sâu đều qua mặt các cơ quan chức năng bằng cách tự “nhập” trứng sâu từ Trung Quốc về rồi mày mò tự nhân giống. Loài sâu lạ này chắc chăn thuộc nhóm sâu “đa thực” vì chúng ăn rất tạp. Đặc biệt, chúng đã quen với khả năng sinh trưởng ở mật độ dày đặc, hàng trăm, hàng ngàn con, liên tục vận động tìm kiếm thức ăn trong cái đáy chậu nhỏ hẹp. Hiện nay, người nuôi cá, chim cảnh khi mua sâu về thường để dành cho chim, cá ăn dần, bởi chúng có thể sống được cả tháng. Sâu thường được nhốt tạm trong túi nilông, xô, chậu… rất sơ sài. Một người chơi chim cảnh ở Phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Mua sâu về bọn trẻ con nghịch để nó xổng đất và ra ngoài là chuyện bình thường”. Nếu loài sâu này lọt ra ngoài và sinh sôi nảy nở trong thế giới tự nhiên, nguy cơ phá hoại mùa màng, gây nguy hiểm cho cây cối, thậm chí cả động vật sẽ rất khó lường!

Câu chuyện về con ốc bươu vàng được nhập vào Việt Nam qua con đường “xách tay” cách đây 20 năm vẫn là bài học đắt giá từ việc dễ dãi, mất cảnh giác với những loài “nhập cư” trái phép, nhất là khi chúng ta chưa hiểu biết hết về sự lợi, hại của chúng thế nào. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp quản lý, nghiên cứu về loài sâu lạ này để kịp thời xử lý trước khi quá muộn.

 

Bá Thăng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.