Multimedia Đọc Báo in

Thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”

11:32, 25/08/2010

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. 

Đến nay, thị trấn Ea Pôk đã có 100% thôn, buôn xây dựng và triển khai thực hiện quy ước hương ước thôn, buôn văn hóa; trong đó có 6 thôn, buôn đã được UBND huyện công nhận đạt chuẩn thôn, buôn văn hóa. Hằng năm, có từ 96 đến 98% số hộ gia đình trên địa bàn tham gia đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó có 86% số hộ đã đạt chuẩn gia đình văn hóa. Năm 2009, thị trấn Ea Pôk đã tổ chức ra mắt đăng ký xây dựng thị trấn văn hóa và phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2013.

Có thể nói, việc xây dựng gia đình văn hóa và thôn, buôn văn hóa tại  Ea Pôk trong thời gian qua đã góp phần giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày càng cải thiện; các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao ngày càng sôi nổi. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn, bà con đã giúp đỡ nhau trong những lúc hoạn nạn khó khăn, cùng nhau hòa giải mọi bất đồng một cách thấu tình đạt lý, đúng pháp luật, phù hợp với phong tục tập quán của các dân tộc. Qua đó đã từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội và bảo đảm tình hình an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng văn hóa và nông thôn mới ở thị trấn Ea Pôk vẫn còn không ít khó khăn. Người dân chủ yếu làm nghề nông, thu nhập thấp, sản xuất nông nghiệp chiếm đến 90% cơ cấu kinh tế trên địa bàn.  Mặt bằng dân trí thấp nên công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Chất lượng đời sống văn hóa chưa đều, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa cho người dân như: nhà văn hóa, sân vận động xã, thôn còn thiếu thốn, hạn hẹp, chưa phù hợp; chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho nhân dân; một số biểu hiện thiếu lành mạnh trong đời sống văn hóa vẫn còn diễn ra phổ biến như phô trương, lãng phí trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội.  Ngoài ra, vai trò của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn hiện tượng trông chờ vào bao cấp, làm giảm sự chủ động, ảnh hưởng tới việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng thị trấn Ea Pôk đạt chuẩn văn hóa vào năm 2013, Đảng bộ và chính quyền thị trấn đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa thể thao; vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia, tạo thêm các nguồn kinh phí cho việc tổ chức củng cố, xây dựng các thiết chế văn hóa; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của từng dân tộc, đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, câu lạc bộ quần chúng theo đúng định hướng về phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước; các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa, phát huy vai trò tự quản của quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, tiến hành quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển các khu dân cư văn hóa; đẩy mạnh nâng cấp, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu theo hướng văn minh, hiện đại “sáng, xanh, sạch, đẹp”; vận động nhân dân hỗ trợ nhau trong sản xuất, xóa đói giảm nghèo… 

Văn Sơn

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.