Multimedia Đọc Báo in

Sinh viên làm thêm nghề vệ sĩ

07:08, 15/09/2010

Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề vệ sĩ đang ngày càng phát triển mạnh ở Việt Nam nói chung và ở Dak Lak nói riêng. Không chỉ thu hút các bạn chuyên nghiệp, nghề vệ sĩ hiện đang trở thành nghề làm thêm của nhiều nam sinh viên.

Với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì tìm việc làm thêm là một giải pháp vừa thiết thực vừa hiệu quả, nó vừa tận dụng được thời gian rảnh rỗi, vừa có thêm nguồn thu nhập để hỗ trợ chi phí học tập. Tuy nhiên, để tìm được một công việc phù hợp với lịch học của mình thì không phải ai muốn cũng được. Trong khi các sinh viên nữ tìm kiếm cho mình những công việc ở các quán ăn, quán giải khát thì không ít sinh viên nam lại mạnh dạn xin việc làm ở các công ty dịch vụ bảo vệ.

Bạn Nguyễn Văn Thắng nhân viên Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ bảo vệ Duy Anh (sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Điện tử Viễn thông, Trường Trung cấp nghề Trường Sơn) đã có kinh nghiệm hơn 3 năm làm vệ sĩ tâm sự, em mồ côi cha mẹ từ nhỏ, khi học cấp III em đã phải tự kiếm tiền để ăn học. Thời gian mới vào làm công việc này cũng còn nhiều bỡ ngỡ lắm, nhưng lâu dần thành quen. Hiện Thắng đang làm bảo vệ cho một khách sạn trên đường Lê Đại Hành, TP. Buôn Ma Thuột từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng. Để không ảnh hưởng đến học tập, Thắng thường tranh thủ những lúc ngoài giờ lên lớp để học bài, thời gian ban đêm có thể đi làm kiếm thêm thu nhập. Cũng may mắn hơn, khi nơi làm việc của em chỉ làm đến 23 giờ rồi đóng cửa, nếu có khách gọi thì dậy mở cửa, nên mặc dù đi làm ban đêm, nhưng em cũng có thời gian ngủ để ngày đi học, Thắng vui vẻ nói.

Trông xe ở quán cà phê - công việc chủ yếu của các vệ sĩ là sinh viên.
Trông xe ở quán cà phê - công việc chủ yếu của các vệ sĩ là sinh viên.

Khi được nhận vào công ty, các sinh viên này được đào tạo những vấn đề cơ bản như: Nội quy, quy định của công ty; nghiệp vụ bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, cách sử dụng công cụ hỗ trợ... “Có thể nói, vệ sĩ là một nghề không đơn giản, nó đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm cao trong công việc và để trở thành một vệ sĩ thì yêu cầu trước tiên mà các sinh viên được nhận vào làm là phải khỏe, thể hình tốt. Với những sinh viên nào biết chút ít võ thuật thì càng thuận lợi cho công việc hơn, đặc biệt, chúng tôi thường ưu tiên nhận những em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn tìm việc làm”, anh Hoàng Duy, Trưởng Phòng tổ chức – kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ bảo vệ Duy Anh cho biết. Do không được đào tạo bài bản như các vệ sĩ chuyên nghiệp, nên các sinh viên thường được công ty sắp xếp công việc ở những nơi ít phức tạp như giữ xe các quán ăn, quán cà phê, hay bảo vệ các công trường đang thi công. Trong công việc, thường các vệ sĩ này không tác chiến một mình mà dưới sự chỉ huy của người trưởng nhóm để tránh những sai sót có thể xảy ra. Với thời gian làm việc mỗi ngày 8 tiếng (tùy theo thời gian rảnh của từng người) các sinh viên làm thêm nghề này có thể nhận được mức lương trung bình 1,5 triệu đồng/tháng, một số nơi làm còn được hỗ trợ ăn, ở. Nếu có thời gian làm tăng ca, thì mức lương sẽ được tăng thêm, điều này phần nào cải thiện được chi phí học tập và đời sống sinh viên.
Gần 2 năm làm vệ sĩ ở Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Vệ sĩ CIC, sinh viên Lê Văn Tiên (sinh viên Trường Trung cấp nghề Trường Sơn) đang làm bảo vệ ở siêu thị Intimex cho biết: “Trong công ty, cũng có nhiều sinh viên được nhận làm vệ sĩ và để thời gian đi làm không ảnh hưởng đến học tập, những vệ sĩ là sinh viên như bọn em được sự hỗ trợ và thông cảm của các anh chị vệ sĩ và công ty rất nhiều. Những buổi làm trùng với giờ học, được đồng nghiệp làm thay, hay đổi ca trực, rồi bữa sau được sắp xếp thời gian làm bù nên vừa bảo đảm được công việc của công ty vừa bảo đảm việc học tập. Còn những ngày cuối tuần, ngày lễ chúng em có thể làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập”. Có thể nói, việc sinh viên làm thêm nghề vệ sĩ tuy không nhiều, nhưng hầu hết các công ty đều có đánh giá tốt, không chỉ là sự giao tiếp, ứng xử được coi trọng, mà còn là ý thức trong công việc của các em...

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​