Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng người nghèo

09:27, 18/01/2011

Với các chương trình tín dụng như cho vay hộ nghèo, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay học sinh-sinh viên, giải quyết việc làm… những năm qua, Ngân hàng Chính sách – Xã hội (NHCSXH) tỉnh đã đồng hành cùng người nghèo và trở thành “điểm tựa” để họ vươn lên trong cuộc sống.

Giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội tại xã Ea Tân (huyện Krông Năng).
Giao dịch của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội tại xã Ea Tân (huyện Krông Năng).

Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi
Năm 1995 gia đình chị Nguyễn Thị Luôn chuyển từ Thái Bình vào thôn Tam Phong (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) sinh sống. Tuy được anh em sang nhượng cho 2 sào đất trồng rau, nhưng do không có vốn đầu tư chăm sóc nên thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Từ năm 2001 đến nay, gia đình chị được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 23 triệu đồng thông qua chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất rau xanh và chăn nuôi heo. Nhờ cần cù, chịu khó, biết tính toán sử dụng đồng vốn hợp lý, hiệu quả, lại được Hội Phụ nữ xã tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, đến nay gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của thôn, xây dựng nhà cửa kiên cố và chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Cán bộ Hội phụ nữ xã kiểm tra mô hình rau xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Luôn (thôn Tam Phong, xã Ea Tam, huyện Krông Năng).
Cán bộ Hội phụ nữ xã kiểm tra mô hình rau xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Luôn (thôn Tam Phong, xã Ea Tam, huyện Krông Năng).

Mặc dù gia đình cũng có hơn 1 ha cà phê và 2 sào đất trồng hoa màu nhưng do phải nuôi 7 con ăn học trong khi ông Nguyễn Văn Ngôn (dân tộc Tày), ở thôn Ea Plông (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) thường xuyên đau ốm, mọi việc trông chờ vào người vợ nên cuộc sống rất khó khăn. Cách đây 2 năm khi nghe tin con thi đỗ vào Trường Đại học Nha Trang, gia đình ông Ngôn vừa mừng vừa lo vì không biết xoay sở ra sao với khoản học phí, ăn ở khoảng 20 triệu đồng/năm. “Đến nay gia đình tôi đã được vay vốn ưu đãi dành cho học sinh - sinh viên là 2 năm. Cũng nhờ nguồn vốn vay này mà gia đình đã có thêm điều kiện chăm lo cho cháu học hành”, ông Ngôn thổ lộ.

Gia đình anh Trần Trọng Khánh ở thôn 2, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những hộ chăn nuôi heo có quy mô lớn của xã, có thời điểm khoảng 60-80 con heo. Trước đây, tuy các chất thải đã được xử lý bằng cách chôn lấp và ủ làm phân vi sinh để bón cà phê nhưng do số lượng nuôi lớn nên không tránh khỏi việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Năm 2006, gia đình anh được vay 4 triệu đồng từ chương trình vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường để xây dựng hầm biogas có thể tích 8 m3. Anh Khánh cho biết: “Số tiền được vay vừa đủ để gia đình đầu tư, hoàn thiện công trình. Từ khi có hệ thống hầm biogas này, toàn bộ chất thải đã được xử lý thành khí gas thắp sáng, nấu ăn và làm phân vi sinh nên gia đình đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí, lợi nhuận mang lại cao hơn và bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Hội viên phụ nữ xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội.
Hội viên phụ nữ xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) phát triển chăn nuôi bò từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội.

Tiếp tục đồng hành cùng người nghèo
Trong 5 năm qua, thông qua 9 chương trình tín dụng ưu đãi, toàn tỉnh đã có trên 187.000 hộ gia đình được vay vốn, trong đó hơn 89.000  hộ vay vốn sản xuất kinh doanh, trên 37.000 hộ vay vốn ưu đãi dành cho học sinh sinh viên, 24.000 hộ vay vốn xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 4.000 hộ được vay giải quyết việc làm, 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn không lãi suất và trên 7.000 hộ được vay vốn xây dựng nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ. Với địa bàn hoạt động rộng và số lượng khách hàng lớn nên để việc giải ngân kịp thời, từ năm 2006, NHCSXH tỉnh tổ chức cho vay vốn thông qua các hội, đoàn thể địa phương. Sau 4 năm triển khai, nguồn vốn cho vay thông qua các hội, đoàn thể chiếm trên 99% tổng dư nợ của Ngân hàng. Mô hình này đã thật sự đem lại những hiệu quả thiết thực vì bên cạnh việc giám sát sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, các hội, đoàn thể còn đóng vai trò tích cực trong việc phổ biến khoa học - kỹ thuật và các mô hình kinh tế hiệu quả cho người dân.

Được biết, để đẩy mạnh hoạt động tín dụng, ngoài số cán bộ biên chế đang thực hiện nhiệm vụ trong hệ thống NHCSXH từ tỉnh đến huyện, Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội Cựu chiến binh, thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho vay vốn thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp thôn, buôn, khối phố trong toàn tỉnh. Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng CSXH đều thực hiện niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, các văn bản mới của Chính phủ nhằm giúp người dân hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của các chương trình tín dụng ưu đãi. Đồng thời, đây cũng là một cách kiểm tra, giám sát của nhân dân, chính quyền địa phương đối với hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, giúp hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ưu đãi. Trong quá trình hoạt động, để nguồn vốn quay vòng và tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của nhà nước, NHCSXH tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn vốn vay, chủ động thông báo nợ đến hạn, tích cực đôn đốc xử lý những trường hợp nợ quá hạn. Nhờ đó, hầu hết các hộ nghèo của tỉnh được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập...

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc