Người vực dậy công tác dân số ở Cư Elang
Để có những gia đình thuận theo chính sách dân số, chị đã mất rất nhiều thời gian, vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí chấp nhận cả việc chủ nhà “xua đuổi” để bền bỉ vận động, thuyết phục mọi người nghe và làm theo…
Mới chỉ gắn bó với công tác dân số hơn 2 năm, song những việc chị Nguyễn Thị Lan, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đã làm và làm được lại rất đáng trân trọng. Ở một xã đặc biệt khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, nếp nghĩ người dân vẫn còn nặng suy nghĩ đơn giản là “Trời sinh voi, sinh cỏ” nên việc vận động, tuyên truyền của chị thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. Chị bộc bạch: “Bà con ở đây có “truyền thống” đẻ nhiều và không chịu sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào để kế hoạch hóa gia đình. Thời gian đầu nhận công việc này tôi luôn có cảm giác mình không thể đả thông nổi tư tưởng của bà con, nhất là với những gia đình sinh con một bề đều gái. Nhiều lúc đi vận động, có người còn chỉ tay vào mặt tôi và nói “Nhà tôi đẻ được thì nuôi được. Sinh con là quyền của vợ chồng tôi, chị có quyền gì mà cấm?!”, rồi họ “xua đuổi”, thậm chí thả chó ra như đuổi ăn trộm vậy…”.
Chị Lan đang tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. |
Khó khăn chồng chất, trong khi tiền phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách dân số xã chỉ hơn 700.000 đồng, nhưng tất cả vẫn không cản được chị Lan đi vận động. Hằng tuần, tranh thủ những ngày mưa gió bà con nghỉ làm ở nhà hay những khi mọi người rỗi việc, chị cùng với các cộng tác viên chủ động gặp gỡ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những cặp vợ chồng đã có 2 con, nhất là những trường hợp có hai con một bề để vận động họ thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình. Chị giải thích cho các gia đình hiểu việc sinh nhiều con là đồng hành với việc khó phát triển kinh tế, cứ nghèo, khổ mãi. Không những vậy, chị còn dành thời gian ghé thăm các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trả lời những tâm tư, vướng mắc, phát tờ rơi và hướng dẫn cho họ cách chăm sóc bà mẹ mang thai, cho con bú, nuôi con nhỏ, sử dụng các biện pháp tránh thai… để tạo sự gần gũi thân thiện. Thậm chí, khi vận động được người nào đồng ý sử dụng biện pháp tránh thai hay đình sản, chị không quản ngại đường sá đi lại khó khăn vào tận nhà đón họ ra cơ sở y tế để đặt vòng, đình sản và tận tình chăm sóc họ như chăm sóc người thân trong nhà.
Có lẽ, chính sự tận tình, chu đáo năng nổ của chị Lan đã từng bước làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong vùng. Chỉ trong vòng 2 năm (2009-2010), chị đã vận động được 33 ca đình sản, vượt 23 ca so với chỉ tiêu được giao. Riêng năm 2010, chị và các cộng tác viên đã vận động được 400 lượt chị em sử dụng các biện pháp tránh thai, đạt 113% so với kế hoạch được giao. Đặc biệt, kết quả đáng mừng sau những lần vận động là chính sách sinh ít con đã được bà con đồng tình ủng hộ và tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn xã đang từng bước giảm dần. Trong tất cả những thành quả ấy đều ghi dấu công lao của chị, lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết của chị đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc