Multimedia Đọc Báo in

Tổng kết Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006-2010:

Gần 468.000 người khuyết tật được thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội

16:54, 16/03/2011

Trong 2 ngày 15 và 16-3, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2006-2010 (Đề án 239) và giới thiệu dự thảo Đề án giai đoạn 2011-2020. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm; lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội; đại diện các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo Sở LĐTBXH 33 tỉnh, thành phố… đã về dự.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội nghị

Thực hiện Đề án 239, cả nước đã thành lập được 121 hiệp hội tự lực của người khuyết tật với 60.000 hội viên tham gia. Các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong toàn quốc đã trợ giúp pháp lý cho 2.500 người khuyết tật chưa kể thương, bệnh binh. Về trợ giúp người khuyết tật học văn hóa, cả nước hiện có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập, 7 trường đại học, cao đẳng sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt. Hệ thống giáo dục này đã đưa được 269.000 em trong khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật ở độ tuổi đi học đến trường. Mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 236 cơ sở tham gia dạy nghề cho người khuyết tật và trong 5 năm qua, đã có gần 50.000 người khuyết tật tham gia học nghề, trong đó có trên 15.500 người khuyết tật được tạo việc làm. Cũng trong giai đoạn 2006-2010, cả nước đã có gần 468.000 người khuyết tật được thụ hưởng các chương trình an sinh xã hội. Bên cạnh đó, người khuyết tật đã được tiếp cận và sử dụng các công trình công cộng, các dịch vụ cung cấp thông tin bằng nhiều hình thức truyền thông dành riêng cho người khuyết tật. Tổng kinh phí thực hiện Đề án 239 giai đoạn 2006-2010 trên 69 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị

Dak Lak hiện có 73.000 người khuyết tật, trong đó có 25.645 người nặng. Sau khi thực hiện Đề án, đã có trên 5.000 người khuyết tật được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, gần 1.300 người hưởng chế độ chất độc hóa học. Toàn tỉnh có 8 cơ sở bảo trợ xã hội, đang chăm sóc, nuôi dưỡng trên 1.100 người; thành lập được 20 tổ chức tự lực với gần 500 người khuyết tật tham gia. Mỗi năm, trong tỉnh có trên 1.200 người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng… 

Các đại biểu thảo luận nhóm để đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2011-2020

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2011-2020. Theo đó, trong thời gian tới, cả nước sẽ phấn đấu tạo điều kiện cho 90% trẻ em khuyết tật được tiếp cận giáo dục dưới mọi hình thức; dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 90.000 người khuyết tật dưới các hình thức; 100% tỉnh, thành phố thành lập được tổ chức tự lực của người khuyết tật; có khoảng 6.000 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; 80% cơ sở y tế tuyến trung ương và 50% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện có đủ năng lực thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm các khiếm khuyết ở trẻ sơ sinh; các công trình công cộng phải bảo đảm điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật…

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc