Multimedia Đọc Báo in

Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam:

Những nỗi đau cần sự sẻ chia

17:10, 05/06/2011
Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam hơn 80 triệu lít hóa chất độc da cam có chứa chất điôxin. Hàng vạn hec ta rừng bị hủy diệt, đất đai cằn cỗi, môi trường sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề... Nghiêm trọng hơn, cuộc sống con người, đặc biệt là những người lính tham gia cuộc chiến đã bị phơi nhiễm bởi loại hóa chất cực kỳ độc hại này, ảnh hưởng dai dẳng đến thế hệ con cháu của họ.

 

 

 Cần lắm những tấm lòng sẻ chia, nhân ái.
Cần lắm những tấm lòng sẻ chia, nhân ái.

 

Những nỗi đau không thể bù đắp...

Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Huy Liên ở đội 1, thôn 3 xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar, tỉnh Dak Lak là một ví dụ. Sau gần 30 năm bị bệnh tật hành hạ, ông Liên đã mất năm 2001, để lại cho người vợ là bà Nguyễn Thị Hải 10 người con đều bị di chứng nặng nề. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, thấy cháu bị  dị tật và ngớ ngẩn, ông bà quyết định sinh thêm, với hy vọng đứa sau sẽ khá hơn. Cứ cố mãi, mười người con ra đời đều bi dị tật và mắc chứng ngớ ngẩn, đã trở thành gánh nặng cho ông bà. Cháu Nguyễn Văn Tài, đứa con thứ 7 của ông Liên, bà Hải, mặc dù đã 15 tuổi, nhưng phát âm không tròn tiếng. Cháu Tài bập bẹ, người nghe phải cố gắng lắm mới hiểu được điều cháu nói: “Bố cháu mất rồi. Mẹ cháu nuôi 10 anh em. Cháu khổ lắm, mong các bác các chú giúp đỡ cháu để cháu được như các bạn khác”. Lời con trẻ, người lớn nghe mà không cầm được nước mắt.

Ba mươi sáu năm đã trôi qua, nhưng còn biết bao những thân phận thiệt thòi, những trẻ em mới sinh ra đã bị dị tật, dị dạng, quái thai, bại não, chậm phát triển trí tuệ... mà nguyên nhân là do cha mẹ các cháu là những cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; hoặc là con em những người dân sống trong vùng bị rải chất độc hóa học thời chiến tranh. Họ đã và đang tiếp tục phải gánh chịu những nỗi đau về thể chất, mất mát về tinh thần – những nỗi đau không thể bù đắp, lấp bồi...

 

Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hàng triệu lít chất độc hủy diệt xuống miền Nam Việt Nam. (Ảnh: T.L)
Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hàng triệu lít chất độc hủy diệt xuống miền Nam Việt Nam. (Ảnh: T.L)

 

...Và những tiếng nói, những tấm lòng sẻ chia

Ông Y Nha Kbua, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/ điôxin tỉnh Dak Lak cho biết: toàn tỉnh hiện có trên 4.500 nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/ điôxin, phần đông là lớp con cháu của những người tham gia kháng chiến thời chống Mỹ - những người trực tiếp chịu ảnh hưởng chất độc hóa học do Mỹ rải xuống Việt Nam. Trong khi mỗi người dân nơi đây đang cố gắng hết sức mình để làm dịu nỗi đau cho họ, thì sự thờ ơ của những người đã từng gây ra hậu quả cho các nạn nhân (là phía các công ty Mỹ đã sản xuất, và những người đã ra lệnh sử dụng hóa chất độc hại này) chứng tỏ một hành động thiếu lương tâm. Ông YNha Kbua rất bức xúc trước quyết định bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam: “ Bản án phúc thẩm của tòa án Mỹ bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là việc làm không có đạo lý, thiếu tình người, trái với nguyện vọng của cả nhân loại trên thế giới. Thực chất việc này do Mỹ gây ra, vậy tại  sao họ lại bác đơn của các nạn nhân Việt Nam?”.

Bà Phan Thị Nghiêm là một trong những người được phân công trực tiếp đi thăm hỏi, tặng quà, động viên các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam/điôxin trên địa bàn tỉnh Dak Lak. Đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm do hậu quả của chất độc da cam/điôxin gây nên, bà Nghiêm nghẹn ngào: “ Chứng kiến cảnh các gia đình nạn nhân có những đứa con bị dị dạng, dị tật, quái thai mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi đã từng làm mẹ, nên khi nhìn những người mẹ sinh ra những đứa con đã 19, 20 năm trời, mong con gọi một tiếng “ Mẹ ơi”; nhưng chắc không bao giờ họ nhận được hai tiếng bình dị, thân thương ấy ”.

 Ở một huyện nhỏ và nghèo như huyện Cư M’gar, nhưng có tới 700 người đang bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin. Bản thân họ và gia đình đang phải ngày đêm vật lộn với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin của địa phương được thành lập đầu năm 2008, đã nhanh chóng vào cuộc, vận động quyên góp trong nhân dân, trong các nhà hảo tâm để hỗ trợ việc khám, chữa bệnh; đồng thời góp tiếng nói cùng đồng bào cả nước và nhân dân yêu chuộng công lý trên thế giới đòi phía Mỹ phải có trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam/ điôxin Viêt Nam. Ông Nguyễn Hồng Dân, một đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam về nghỉ hưu và hiện đang là chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Cư M’gar nói: “Chúng tôi tha thiết đề nghị nhân loại góp tiếng nói chung với các nạn nhân chất độc da cam/điôxin, buộc những xí nghiệp sản xuất chất độc da cam của Mỹ và chính phủ Mỹ, quân đội Mỹ phải có trách nhiệm đền bù những thiệt hại do chất độc da cam/điôxin gây nên. Chúng tôi cũng kêu gọi toàn thể những người có lương tri trên toàn thế giới hiểu và san sẻ những nỗi đau của những người nhiễm chất độc da cam/điôxin, buộc chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm đối với họ, với nhân dân Việt Nam”.
 Đảng, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách để khắc phục hậu quả của chất độc da cam/điôxin nhằm giúp các gia đình có người nhiễm chất độc này dịu bớt nỗi đau. Nhân dân ta, tùy theo tấm lòng, cũng đã quyên góp, ủng hộ vào quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Đây không chỉ là nghĩa cử, mà còn là trách nhiệm, đạo lý của mỗi người Việt Nam đang được sống trong hạnh phúc của độc lập tự do. Kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, UBND tỉnh cũng đã đồng ý để sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm và quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Đây là dịp để mỗi người chúng ta tỏ lòng tri ân, chia sẻ đến những người đã và đang chịu thiệt thòi.
 

Hơn lúc nào hết, tình dân tộc, nghĩa đồng bào cần được mỗi người chúng ta thể hiện trong lúc này. Tham gia ủng hộ vào Quỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/điôxin, là chúng ta đã thể hiện lòng nhân ái, tri ân và cảm thông với những người đã mang lại cuộc sống bình yên cho chúng ta hôm nay.

Đinh Hữu Trường

Ý kiến bạn đọc