Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cần được lồng ghép vào các dịch vụ an sinh xã hội
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng đang gặp phải không ít thách thức, trở ngại lớn cần có những giải pháp thiết thực để đạt được hiệu quả cao hơn trong giai đoạn tiếp theo...
Thực trạng và những thách thức
Theo đánh giá của các ngành chức năng, trong 10 năm qua (2001-2010), công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ, đạt được những thành tựu đáng kể. Các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện, các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, giáo dục mầm non, tiểu học, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều khởi sắc: Hằng năm đều có trên 95% trẻ được tiêm chủng đầy đủ 6 bệnh truyền nhiễm; Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng từ gần 47% vào năm 2000 đã giảm xuống còn 27% vào năm 2010; 100% trẻ mồ côi đã được quan tâm, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và tại cộng đồng; Hơn 1.500 trẻ (khoảng 90% số trẻ) sứt môi, hở hàm ếch đã được phẫu thuật nụ cười; Có hơn 3.000 trẻ tàn tật và bệnh hiểm nghèo được khám, chữa bệnh, phẫu thuật và phục hồi chức năng; Hơn 28.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, giúp đỡ (tăng 70% so với năm 2000)…
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đang đứng trước những thách thức mới. Đó là, môi trường an toàn và sự phát triển cho trẻ em chưa được quan tâm đúng mức; tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn diễn ra theo hướng ngày càng phức tạp; trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ phải lao động sớm, bỏ học, vi phạm pháp luật vẫn còn; công tác giáo dục đạo đức và bồi dưỡng nhân cách cho trẻ em ở một số nơi còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện còn hơn 11.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 5.000 trẻ em khuyết tật, trên 65.000 trẻ em đang sống trong những hộ gia đình nghèo...
Thực trạng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho thấy nhiệm vụ này tại cơ sở lâu nay vẫn được coi là một hoạt động xã hội, mang tính phong trào, chưa được coi là một công việc chuyên môn. Công tác với trẻ em ở cơ sở hiện thường bao gồm những việc như: Thăm hỏi và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân các ngày lễ tết, trợ giúp trẻ em nghèo, trợ cấp và vận động quyên góp; huy động cộng đồng hỗ trợ nguồn lực quan tâm, chăm sóc trẻ mồ côi; trẻ khuyết tật; trẻ bị lạm dụng; trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy... mà vẫn chưa coi trọng nhiều hoạt động nghiệp vụ khác.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đòi hỏi các cán bộ phải có kỹ năng, kiến thức và được đào tạo, làm việc theo các quy trình, bài bản, chuyên môn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong thời đại thông tin, toàn cầu hóa và kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đội ngũ trực tiếp tham gia vào công tác trẻ em còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng. Tại cơ sở, những người trực tiếp và đang tham gia vào các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em tuy có chức năng nhiệm vụ rõ ràng… nhưng đều thuộc nhóm cán bộ không chuyên trách, phụ cấp rất thấp. Chế độ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã, phường không thu hút, khuyến khích và đảm bảo công việc lâu dài… Bên cạnh đó là sự thay đổi cơ cấu nhân sự dẫn đến sự thay đổi cán bộ, mất người có kinh nghiệm làm việc không tiếp tục hoạt động nữa. Nhiều ban ngành tham gia vào “công tác trẻ em” nói chung, trong khi cơ chế phối hợp, phân công, phân nhiệm chưa rõ ràng. Cùng với đó, việc thiếu các hệ thống dịch vụ can thiệp, hỗ trợ ở cộng đồng; thiếu đồng bộ trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các khâu: Phòng ngừa, can thiệp phục hồi và tái hòa nhập; thiếu mạng lưới cộng tác viên, cán sự xã hội có trình độ chuyên môn, được đào tạo… Trước năm 2007, có khoảng hơn 1.000 cộng tác viên bảo vệ chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn thì đến nay con số này đã bị.. xóa trắng. Cấp huyện trước đây có từ 2 đến 3 cán bộ chuyên trách bảo vệ chăm sóc trẻ em thì nay chỉ còn 1 người mà còn phải kiêm nhiệm thêm việc khác. Cấp tỉnh trước đây có gần chục cán bộ thì nay chỉ còn 4 cán bộ. Ngoài ra, Ngân sách chi cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em quá thấp, chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế và đầu tư cho các lĩnh vực khác ở cả cấp trung ương và địa phương đã làm cho vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em ngày càng gặp nhiều thách thức, trở ngại.
Trẻ mẫu giáo ở xã Cư Kty (huyện Krông Bông) trong giờ chơi. |
Trong Chương trình hành động Vì trẻ em Dak Lak giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu tổng quát: Bảo đảm các nhu cầu, các quyền cơ bản của trẻ, xây dựng môi trường an toàn để trẻ được phát triển toàn diện, nhất là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, chú trọng bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em, tập trung vào lĩnh vực: sức khỏe và dinh dưỡng trẻ thơ; nước sạch và vệ sinh môi trường; giáo dục cơ bản có chất lượng, văn hóa, vui chơi cho trẻ em. Trong đó có một số mục tiêu cụ thể như: 97% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, phục hồi; có 50% xã, phường phù hợp với trẻ em…
Trước những thách thức đặt ra trong thời kỳ mới, để thực hiện các mục tiêu trên thiết nghĩ, ngoài việc Chương trình cần phải chuyên môn hóa, đồng bộ hóa và xã hội hóa tập trung các nguồn lực còn cần phải được lồng ghép vào các dịch vụ an sinh xã hội, dịch vụ xã hội và bảo trợ xã hội để hướng đến nâng cao chất lượng và quy mô trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thực tế cho thấy: đời sống kinh tế có ảnh hưởng quyết định đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em của từng gia đình, từng địa phương. Chính vì vậy, khi tiến hành xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, nên chăng cần phải đồng thời xem xét, tính toán đến nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể là công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em phải được lồng ghép vào các Đề án lớn của tỉnh như: xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội (các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, chế độ thai sản, nghỉ ngơi cho thai phụ, cho phụ nữ nuôi con nhỏ, và các dịch vụ cho trẻ); Bảo hiểm thất nghiệp (dịch vụ hỗ trợ việc làm ưu tiên cho những gia đình có trẻ em...); dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn tâm, sinh lý cho trẻ; dịch vụ truyền thông; giáo dục, đào tạo; môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ ... Phải quan tâm và đặt ra tầm quan trọng như vậy mới đảm bảo có được một thế hệ tương lai phát triển toàn diện và tốt đẹp.
Ý kiến bạn đọc