Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của công trình cấp nước tự chảy Thăng Lễ (xã Hòa Lễ)

07:53, 26/08/2011

Công trình cấp nước tự chảy Thăng Lễ (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) được khởi công xây dựng đầu năm 2003 với tổng kinh phí 580 triệu đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư 464 triệu đồng, số còn lại do người dân đóng góp bằng ngày công lao động. Đây là công trình khai thác nguồn nước tự chảy từ núi Chư Yang Sin gồm các hạng mục: đập bê tông dâng nước đầu nguồn, bể lắng đầu nguồn, 7km đường ống dẫn nước từ đầu nguồn đến các khu dân cư với 2 hố van xả gió, 8 hố van xả cặn, 3 hố van điều tiết nước. Công trình có công suất thiết kế 20 m3/giờ, cung cấp nước cho 250 hộ dân trên địa bàn thôn 1, 2 và một số hộ thôn 3 (xã Hòa Lễ). Điều đáng nói, mặc dù nguồn nước không thiếu nhưng kể từ cuối năm 2006 đến nay, công trình chỉ hoạt động cầm chừng, việc cung cấp nước trong tình trạng được chăng hay chớ.

Gia đình anh Bùi Chí Phước đăng ký kết nối sử dụng nước tại Công trình cấp nước tự chảy Thăng Lễ từ năm 2004. Ngoài số tiền phải đóng là 300.000 đồng để lắp đặt đồng hồ, anh Phước còn tham gia ngày công lao động để xây dựng bể lắng ở đầu nguồn. Từ khi có nguồn nước tập trung, gia đình anh không sử dụng nước giếng nữa nên đã bán máy bơm nước. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, gia đình anh buộc phải ngưng sử dụng nước từ công trình. Lý giải về điều này, anh Phước cho biết, ban đầu nguồn nước cung cấp đều, chảy mạnh và trong, gia đình rất yên tâm sử dụng. Nhưng chỉ sau 1 năm, không biết lý do tại sao mà nước lúc có lúc không, có khi cả tuần không có nước. Thấy vậy, gia đình tôi quyết định ngừng sử dụng nước từ công trình cấp nước tự chảy và đào lại giếng cũ để dùng. Dẫn chúng tôi ra xem hệ thống đồng hồ và đường ống dẫn nước sạch đã bỏ hoang 4 năm nay, ông Mai Văn Kế kể, lúc trước gia đình có 9 khẩu, cộng thêm việc chăn nuôi heo nữa nên nhu cầu sử dụng nước rất lớn. Với giá nước 1.000 đồng/m3 nên mỗi tháng gia đình cũng chỉ tốn vài chục nghìn đồng tiền nước cho mọi sinh hoạt. Thế nhưng, sự tiện lợi này chỉ kéo dài được vài ba năm sau đó gia đình buộc phải quay lại dùng nước giếng và nước mương mặc dù biết cả hai nguồn nước này đều ô nhiễm do xung quanh các hộ chăn nuôi heo với quy mô lớn. Mặc dù hiện là Hội trưởng Hội sử dụng nước Thăng Lễ nhưng từ giữa năm 2010 đến nay, gia đình ông Phạm Văn Phấn cũng chịu chung “số phận” như nhiều hộ khác trong thôn. Do không có điều kiện đào giếng riêng nên hằng ngày ngoài công việc đồng áng, bếp núc, bà Vũ Thị Kim Cúc, vợ ông Phấn phải đi xin nước về sinh hoạt. Qua tìm hiểu được biết, với đặc điểm địa hình chủ yếu là đất cát pha, việc khoan, đào giếng không mấy thuận lợi nên những năm hạn hán kéo dài, việc thiếu nước sinh hoạt diễn ra phổ biến. Thêm vào đó, do trên địa bàn xã số hộ chăn nuôi heo khá nhiều dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Vì vậy, khi Công trình cấp nước tự chảy Thăng Lễ được xây dựng và đưa vào sử dụng đã đáp ứng niềm mong mỏi của người dân. Nhưng niềm phấn khởi vì được sử dụng nguồn nước bảo đảm vệ sinh chưa được bao lâu thì hơn 160 hộ phải quay trở lại dùng nước giếng, nước suối.

Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông Mai Văn Kế đã không được sử dụng nước từ công trình cấp nước tự chảy Thăng Lễ (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông)
Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông Mai Văn Kế đã không được sử dụng nước từ công trình cấp nước tự chảy Thăng Lễ (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông)
Tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Phạm Văn Phấn cho biết, vì đây là công trình cấp nước tự chảy lấy nguồn nước từ trên núi cao, một số đường ống được thiết kế lộ thiên chạy dọc theo địa hình tự nhiên của sườn núi nên nhanh bị xuống cấp, hư hỏng gây ảnh hưởng đến việc cấp nước. Đập bê tông dâng nước đầu nguồn thường bị cát và lá cây lấp sau những trận mưa lớn nên Ban quản lý Hội sử dụng nước phải mất nhiều công sức khơi thông, ảnh hưởng đến công tác vận hành công trình. Đồng thời, do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao dẫn đến việc chây ì đóng tiền nước, chặt phá đường ống, đồng hồ, nắp đậy hố van… gây thất thoát nước. Một số hộ ở đầu nguồn sử dụng nước lãng phí. Thêm vào đó, từ năm 2003 đến nay, Ban quản lý Hội sử dụng nước phải thay đổi nhiều lần do mức lương thấp, các thành viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên đã buông lỏng công tác quản lý. Khi công trình xảy ra sự cố, hư hỏng, không tổ chức họp đối thoại trực tiếp với người dân để tìm ra hướng giải quyết.

Để công trình cấp nước tự chảy Thăng Lễ tiếp tục phát huy hiệu quả, Ban quản lý Hội sử dụng nước đề xuất giao lại công trình cho Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh quản lý để hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp công trình, kiện toàn lại Ban quản lý, có biện pháp thu hồi phí sử dụng nước còn nợ đọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Nhưng quan trọng hơn cả chính là ý thức của mỗi người dân trong việc sử dụng và bảo vệ công trình.

Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc