Multimedia Đọc Báo in

Dạy nghề cho lao động nông thôn - cần đẩy mạnh sự liên kết “4 nhà”

07:41, 26/08/2011

Dak Lak là một trong những địa phương được đánh giá bước đầu triển khai có hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để tiếp tục có những “bước” vững chắc trong hành trình đến năm 2020 thì bên cạnh phát huy những kết quả đã đạt được cần đồng thời đi sâu vào khai thác triệt để mối liên kết giữa “4 nhà”, đó là nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp.

Nguyễn Văn Xô (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) sau khi học nghề cơ khí đã mở tiệm làm cửa sắt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nguyễn Văn Xô (xã Ea Kly, huyện Krông Pak) sau khi học nghề cơ khí đã mở tiệm làm cửa sắt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế từ Ea Kar
Ea Kar là một trong những huyện đã huy động được sự vào cuộc của “4 nhà”, chung tay đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân trong vùng. Để triển khai Đề án, huyện đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của bà con và nhu cầu của thị trường lao động. Trung tâm dạy nghề của huyện đã xây dựng chương trình đào tạo gồm 12 nghề, trong đó các nghề như may dân dụng, may công nghiệp, chăn nuôi thú y, trồng trọt, sửa chữa máy nông nghiệp…là các nghề thị trường lao động có nhu cầu cao. Do đặc thù là huyện có đến 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, đa dạng về đối tượng, độ tuổi, khả năng tiếp thu, điều kiện học tập khác nhau nên việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung sẽ không phát huy hiệu quả. Trung tâm dạy nghề huyện đã tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn dân cư, dạy nghề gắn với sản xuất, đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên ở địa phương là những người có tay nghề, nghiệp vụ sư phạm làm công tác tuyên truyền nghề, dạy nghề. Nhờ đó, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn nhận vào làm việc. Một số học viên còn mạnh dạn vay vốn mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động… Điển hình như ở xã Ea Ô, hơn 10 lớp dạy nghề (chủ yếu là may công nghiệp và chăn nuôi thú y) được mở thu hút khoảng 350 lao động tham gia. Hầu hết số lao động sau học nghề đã phát huy được hiệu quả kinh tế, chuyên môn trong việc làm ở các công ty may mặc trong và ngoài tỉnh.  Hay như xã Xuân Phú, với hàng trăm lao động tham gia học nghề chăn nuôi thú y, đã hình thành nên một “làng nghề” với nhiều mô hình trang trại chăn nuôi cải thiện đáng kể đời sống người dân nơi đây… Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: hiện nay huyện đang có 2 cơ sở đào tạo nghề : Trung tâm dạy nghề của huyện và Cơ sở 2 của Trường Trung cấp Nghề Tây Nguyên. Dự kiến vào năm 2013 sẽ có thêm một cơ sở đào tạo nghề nữa trên địa bàn đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn còn tuyển và đào tạo trực tiếp để có được những lao động có tay nghề phù hợp phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụm công nghiệp Ea Dar đóng chân trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng: nhựa, giày dép, tinh bột sắn, mía đường mỗi năm đều tuyển dụng khoảng 200 lao động, trong đó một nửa số lao động được tuyển để đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh đã nhiều năm gắn bó với địa phương như: Công ty dịch vụ dầu khí Sài Gòn nhân lực; Công ty Cổ phần may Đắk Thắng; Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh; Công ty may Chang sin Đồng Nai…, hằng năm đã “đặt hàng” đào tạo và tuyển dụng khá nhiều lao động vào làm việc ở Công ty hoặc xuất khẩu lao động. Chính vì vậy trên 80% số lao động nông thôn được đào tạo nghề đã có việc làm mang lại hiệu quả kinh tế…
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH tham quan mô hình đào tạo nghề trồng nấm ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana)
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH tham quan mô hình đào tạo nghề trồng nấm ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana)
Cần tăng cường chặt chẽ mối liên kết “4 nhà”
Theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh thì đến năm 2020, trung bình hằng năm, tỉnh cần đào tạo nghề cho 11.000 lao động. Trong năm 2011 sẽ tổ chức đào tạo cho 6.780 lao động nông thôn, thời gian đào tạo từ 3 đến 6 tháng/khóa học với nguồn kinh phí dự kiến là 17 tỷ 842 triệu đồng. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt được hiệu quả, một trong những nhân tố quan trọng, cốt lõi là sự phối hợp, liên kết “4 nhà”, đó là nhà quản lý, nhà trường, nhà nông và nhà doanh nghiệp. Cụ thể là nhà quản lý có nhiệm vụ đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách của đề án hỗ trợ cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Nhà trường là các trung tâm dạy nghề, các trường nghề có nhiệm vụ đào tạo các nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của lao động nông thôn. Nhà nông là những người nông dân trong độ tuổi lao động có nhu cầu, nguyện vọng học nghề, đào tạo các nghề để phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp, đào tạo xong có việc làm ổn định, có thu nhập, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Đối với nhà doanh nghiệp, cung cấp đầu vào, đầu ra cho lao động nông thôn tham gia học nghề, đồng hành với người học nghề, đến khi kết thúc khóa học có thể sử dụng hoặc hỗ trợ người lao động đã học nghề tìm việc làm ổn định. Hiện nay, tỉnh ta có 42 cơ sở dạy nghề ở 3 hệ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, với quy mô đào tạo gần 20.000 lao động/năm.

Giai đoạn 2007- 2010, thực hiện liên kết “4 nhà”, Sở LĐTB&XH đã ký kết với 20 cơ sở dạy nghề trên địa bàn để đào tạo 17.340 lao động với tổng kinh phí là 28 tỷ 715 triệu đồng. Trong đó, tổ chức dạy nghề cho 11.455 lao động nông thôn (7.186 lao động là người dân tộc thiểu số; 765 lao động thuộc diện hộ nghèo; 138 lao động diện chính sách có công). Mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay đã tổ chức đào tạo rất nhiều nghề, nhưng đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu là các nghề: Sửa chữa máy nông nghiệp; Kỹ thuật chăn nuôi thú y; Kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật; Đan mây tre; Dệt thổ cẩm; May dân dụng; May công nghiệp; Sửa chữa xe gắn máy; Xây dựng dân dụng; Sửa chữa máy nông nghiệp; Điện dân dụng, Sửa chữa  máy nông cụ; Hàn; Cắt gọt kim loại; Tin học ứng dụng… Qua khảo sát, việc dạy nghề đã cải thiện được đáng kể về chất lượng lao động, học sinh học nghề, sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội tìm được việc làm và làm việc có hiệu quả hơn. Dạy nghề đã giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho khoảng 85,7% số học sinh tốt nghiệp (học sinh dân tộc thiểu số khoảng 50%). Kết quả trên đã góp phần giảm nghèo, ổn định chính trị, giữ vững an ninh-trật tự trên địa bàn. Hoạt động dạy nghề đã thúc đẩy sự phát triển đa dạng các ngành nghề ở nông thôn, vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao dần mặt bằng dân trí, điều kiện dân sinh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; khơi dậy tính chủ động tích cực vươn lên trong xóa đói giảm nghèo và phát huy được thế mạnh sẵn có của địa phương. Hoạt động dạy nghề cũng đem lại lợi ích nhiều mặt của cuộc sống đến với người lao động, góp phần đẩy lùi những tập quán canh tác cũ kỹ, lạc hậu để tiếp cận với phong cách, kỹ năng lao động mới.

Song song với việc triển khai điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và thực trạng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, tỉnh đã cụ thể hóa các mô hình dạy nghề, phát huy thế mạnh của từng địa phương để đào tạo nghề phù hợp như: tại thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) nghề trồng nấm được bà con nông dân theo học rất đông, trở thành nơi sản xuất nấm lớn trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế; hay như ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), bà con người dân tộc thiểu số đã phần nào thoát nghèo nhờ học nghề mây tre đan… Thực hiện hình thức dạy nghề gắn với doanh nghiệp sản xuất, được các cơ sở dạy nghề chú trọng. Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak thường xuyên có khoảng 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết đào tạo. Doanh nghiệp tư nhân Viết Hiền- đối tác được của Trường Cao đẳng Nghề mỗi năm đều tiếp nhận từ 20 đến 50 học sinh nghề cơ khí của trường về thực tập, rèn luyện tay nghề…

Như vậy, đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, việc phối hợp, gắn kết giữa “4 nhà” nêu trên, vừa là yêu cầu, vừa là nhu cầu tất yếu. Ông Phan Trọng Tùng, Trưởng Phòng Lao động và Quản lý việc làm (Sở LĐTB&XH) cho biết: Tới đây, Sở LĐ-TB&XH sẽ triển khai quyết liệt hơn để gắn kết “4 nhà” trong công tác đào tạo nghề, theo đó có 2 giải pháp cơ bản: Sử dụng phương thức “đặt hàng” cho cơ sở dạy nghề và ký hợp đồng trách nhiệm giữa 3 bên (người lao động thông qua chính quyền; doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề) mà Sở LĐTB&XH sẽ đóng vai trò cầu nối. Cụ thể  như: xác định nhu cầu của người lao động; nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; Sở LĐTB&XH sẽ sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để ký hợp đồng với cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 2 yếu tố cơ bản: tuyển sinh đúng đối tượng; đào tạo đúng nghề, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp (được doanh nghiệp kiểm chứng)… Hy vọng, với những giải pháp đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian tới sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc