Multimedia Đọc Báo in

Già hóa dân số - thách thức toàn cầu ở thế kỷ 21

11:12, 23/10/2011

Trong thế kỷ 20, những tiến bộ vượt bậc về kinh tế, khoa học - công nghệ và y tế đã tác động làm tăng tuổi thọ bình quân của dân số thế giới. Mặt khác, dân số ngày càng tăng, tỷ lệ sinh đẻ và tỷ lệ tử vong giảm ở nhiều nước cũng là nguyên nhân tăng nhanh số người cao tuổi cả về số lượng và tỷ lệ.

Sau 50 năm, từ 1950 đến 2.000, dân số thế giới đã tăng khoảng 2,43 lần, số người cao tuổi tăng 2,76 lần và số người cao tuổi ở các nước đang phát triển tăng 3,03 lần. (1) “ Bùng nổ dân số” đi đôi với “siêu bùng nổ người cao tuổi”, đặc biệt ở những nước nghèo.    Các số liệu của các cơ quan Liên Hiệp Quốc cho thấy, trong 50 năm tới, quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra hết sức mạnh mẽ; mỗi tháng có hơn một triệu người trên thế giới vượt qua ngưỡng tuổi 60. Tỷ lệ người cao tuổi trên thế giới vào năm 2050 sẽ tăng gấp ba lần so với mức hiện nay, từ 606 triệu người năm 2.000 lên 1,2 tỷ người vào năm 2025 và 2 tỷ người vào năm 2050, chiếm 21% dân số toàn cầu.

Tỷ lệ người cao tuổi nhất là ở các nước phát triển, nhưng số lượng người cao tuổi nhiều nhất lại ở các nước đang phát triển. 80% số người già trên thế giới tập trung ở các nước nghèo. Còn tỷ lệ người từ 80 tuổi trở lên có mức tăng nhanh nhất trong số người cao tuổi lại ở các nước phát triển. Hai phần ba số người cao tuổi trên thế giới là phụ nữ. Số người già sẽ cao hơn số người ở độ tuổi dưới 15 trong dân số thế giới.

Niềm vui tuổi già (Ảnh minh họa).
Niềm vui tuổi già (Ảnh minh họa).
Trong 25 năm đầu thế kỷ 21, cơ cấu dân số của các nước đang phát triển sẽ diễn ra sự thay đổi mạnh mẽ. Số dân có độ tuổi dưới 20 giảm từ 43% năm 2.000 xuống 37 %  vào năm  2025; trong khi đó,  tỷ lệ người già tăng từ 8 % lên 14 % trong cùng thời gian. Tình trạng dân số lão hóa ở các nước nghèo, chậm phát triển diễn ra trong thời gian ngắn hơn và với mức độ nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển. Ở các nước đang phát triển, quá trình lão hóa dân số diễn ra ở nông thôn nhanh hơn ở đô thị.

Cùng với xu hướng chung của thế giới, người cao tuổi Việt Nam không ngừng tăng lên cả về số lượng và tỷ lệ. Trong thập niên đầu của thế kỷ 21, dân số nước ta tăng 1,12 lần, còn người cao tuổi tăng 1,2 lần, với số tăng thêm là 126 vạn (2).

Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73, và tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) tăng từ 7,15% năm 1989 lên 8,93% năm 2009. Theo dự báo, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ tăng đột biến từ năm 2010 và có thể đạt 16,8% vào năm 2029(3). Người cao tuổi ở nước ta phần đông là nữ và nữ góa chồng. Năm 2009, cứ 100 cụ ông thì có tới 147 cụ bà, so với cuộc Tổng điều tra dân số năm 1999, tỷ lệ này là 100/140. Số liệu thống kê cho thấy, từ tuổi 85 trở lên, số cụ bà nhiều hơn 2 lần số cụ ông. Người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn. Theo Tổng điều tra dân số năm 2009, 72,5% người cao tuổi sống ở nông thôn; có khoảng 16-17% hưởng lương hưu hoặc mất sức, hơn 10% các cụ hưởng trợ cấp người có công với nước. Cũng theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009, có khoảng 36%  người cao tuổi đang tham gia làm việc tại các ngành khác nhau của nền kinh tế. Tỷ lệ người cao tuổi hoạt động kinh tế ở thành thị là 20%, còn ở nông thôn là 42,5%.

Người cao tuổi là một bộ phận dân cư ngày càng đông ở nước ta, là một lực lượng lao động, một kho tàng kinh nghiệm, đồng thời cũng là nhóm người có nhiều vấn đề về đời sống, sức khỏe, tâm lý xã hội. Nếu có chính sách hợp lý sẽ huy động được một nguồn lực to lớn cho sự phát triển của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Năm 1980, các Hội những người có tuổi bốn nước châu Âu đã thành lập ra Liên hiệp Quốc tế các Hội Người có tuổi (FIAPA), và ngày nay, FIAPA đã tập hợp được nhiều tổ chức hội viên trên năm lục địa.
Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã ra Nghị quyết số 45/106 lấy ngày 1-10 hằng năm làm Ngày Quốc tế Người cao tuổi, với mong muốn mọi người nhận thức rõ ràng hơn một thực tế về người cao tuổi, thấy rõ khả năng to lớn của họ đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng xã hội. Đồng thời, cũng muốn lưu ý mọi người trên thế giới về một hiện tượng rất mới mẻ, đó là sự già hóa của dân số và trong tương lai không xa về “kỷ nguyên của người cao tuổi”.

N.X

Ý kiến bạn đọc