Những bất cập trong việc quản lý, sử dụng nước tại công trình cấp nước tập trung xã Hòa Phong (huyện Krông Bông)
Công trình cấp nước xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) có kinh phí đầu tư xây dựng hơn 6 tỷ đồng, được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2009, hiện do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (TTNSH&VSMT) tỉnh quản lý. Công trình có công suất thiết kế hơn 300m3/ngày đêm, đã cấp nước cho 538 hộ ở 10 thôn, buôn trên địa bàn xã, đạt 60,8% công suất thiết kế của công trình, trong đó có 193 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, việc kết nối, sử dụng nước sạch từ công trình đã bộc lộ nhiều bất cập.
Theo TTNSH&VSMT tỉnh, tình trạng nợ tiền nước kéo dài diễn ra từ năm 2010, tính đến cuối tháng 8-2011 đã lên đến gần 13 triệu đồng. Trong khi đó, Trung tâm vẫn phải mua hóa chất xử lý nước, chi trả lương cho cán bộ quản lý vận hành, tiền điện và chi phí bảo dưỡng, sửa chữa công trình. Theo anh Nguyễn Duy Thái, Trạm Truởng Trạm cấp nước tập trung (CNTT) xã Hòa Phong, ngoài một số hộ cố tình chây ỳ thì việc nợ đọng tiền nước chủ yếu tập trung ở các buôn, trong đó nhiều nhất là buôn Ngô B. Bà con cho rằng Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình, thì phải hỗ trợ luôn tiền đấu nối đồng hồ, người dân chỉ phải trả tiền nước theo mét khối giống như việc sử dụng điện. Mặc dù TTNSH&VSMT tỉnh và chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền nhiều lần trên hệ thống loa truyền thanh xã, rồi lồng ghép trong các buổi họp thôn, buôn hay gặp gỡ trực tiếp một số hộ dân nhưng do tâm lý trông chờ, ỷ lại nên tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện. Không những vậy do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao nên đã tự ý cắt đường ống dẫn nước về sinh hoạt, tưới tiêu, chăn nuôi không qua đồng hồ, không đóng phí kết nối, tháo dỡ van khóa, đường ống một số tuyến... Do không có hệ thống đồng hồ và van điều tiết nên ở một số nơi, nước chảy tràn lan cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, tỷ lệ thất thoát nước cao, gây ảnh hưởng đến năng lực cấp nước, làm cho các hộ ở cuối tuyến ống, ở trên cao không có nước để sử dụng nhất là ở thôn 1, buôn T’Liêr.
Gia đình chị H’Hinh Niê ở buôn Cư Phiang đăng ký đấu nối sử dụng nước tại công trình CNTT xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) từ đầu năm 2010. |
Theo TTNSH&VSMT tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên, ngoài ý thức của người dân còn phải kể đến việc nhân viên trạm cấp nước chưa chủ động giải quyết, xử lý dứt khoát những vướng mắc nảy sinh, chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của người sử dụng nước. Thời gian tới, để công trình tiếp tục phát huy hiệu quả, Trung tâm sẽ phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản những trường hợp vi phạm, mời về UBND xã xử lý; tổ chức họp dân tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ khi đăng ký sử dụng nước sạch; những hộ đã có đồng hồ nhưng đang bị hư hỏng cần báo lại cho nhân viên trạm cấp nước để lập danh sách gửi Trung tâm tổ chức kiểm tra và hỗ trợ kinh phí sửa chữa; những trường hợp ở buôn Ngô A không đóng tiền kết nối mà vẫn tiếp tục cắt ống dẫn nước về dùng, Trung tâm sẽ khóa van nước dẫn vào buôn. Đối với chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xâm hại đến công trình theo Nghị định 23/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đưa việc cắt phá đường ống nước vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, thôn, buôn văn hóa; cử cán bộ thôn, buôn cùng phối hợp với Trung tâm phát hiện những trường hợp vi phạm trong việc sử dụng nước sạch cũng như tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Nhưng quan trọng hơn cả, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ khi tham gia sử dụng nước ở công trình CNTT, nộp tiền nước hằng tháng đầy đủ, báo lại với nhân viên trạm cấp nước khi công trình có sự cố cũng như các hộ có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến công trình.
Ý kiến bạn đọc