Multimedia Đọc Báo in

Bình đẳng giới trong giáo dục: Cần có sự thay đổi về nhận thức

09:31, 02/12/2011

Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng cần phải có lộ trình và thời gian thực hiện. Sự chung tay của các cấp, các ngành để cùng thực hiện mục tiêu xã hội này là hết sức cần thiết, song điều đặc biệt quan trọng là cần phải thay đổi cơ bản nhận thức của mỗi giới về vấn đề bình đẳng giới.

Những tồn tại trong thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục
Nhà nước luôn coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhằm phát triển nguồn nhân lực không phân biệt nam, nữ trên nguyên tắc. Nhưng điều đáng nói là tỷ lệ nam, nữ ở các cấp học ngày càng có khoảng cách rõ rệt. Nguyên nhân ở đây là gì? Có sự phân biệt về giới? Hay do tư tưởng trọng nam khinh nữ? Đó vẫn còn là câu hỏi đáng phải bàn. Theo số liệu thống kê hằng năm về giáo dục của các ngành chức năng kết quả giám sát tình hình thực hiện bình đẳng giới và triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới cho thấy, việc tiếp cận với giáo dục của trẻ em gái và nữ giới dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn và trở ngại hơn so với các em trai và nam giới: trong khi tỷ lệ nữ sinh ở 4 cấp học trong toàn tỉnh chiếm tỷ lệ từ 44% đến 50% thì số nữ sinh dân tộc thiểu số chỉ chiếm khoảng 23% và càng lên bậc học cao càng ít hơn. Nguyên do là ở các vùng này sự phân biệt con trai, con gái còn khá phổ biến. Amí Hoan ở xã vùng 3 Ea Sô (huyện Ea Kar) lý giải về 3 đứa con gái chỉ được học hết tiểu học: “Con gái chỉ cần học lấy cái chữ là được chứ không cần học nhiều, học nhiều cũng đi lấy chồng, làm rẫy thôi”. Vì vậy, số năm đi học của nữ trong các nhóm xã hội thấp hơn nam. Ở nhóm người nghèo, số năm đi học của nữ là 5 năm, nam là 6 năm; Nhóm giàu là 9 năm và 10,4 năm. Trái lại ở nông thôn, phụ nữ làm phần lớn các công việc trồng trọt và chăn nuôi. Song họ lại ít được tiếp cận với dịch vụ khuyến nông. Trong nông nghiệp nữ làm, nam học. Trên thực tế phụ nữ làm công việc chăn nuôi chiếm 67% và nam giới chiếm 46% nhưng được tập huấn, học nghề về chăn nuôi, thú y thì nam lại chiếm tới 78% trong khi đó nữ chỉ chiếm có 22%; Tỷ lệ nam nữ làm công việc trồng trọt là như nhau (80%) nhưng tỷ lệ nam nữ được tập huấn, học nghề thì khá chênh lệch, nữ chỉ có 15% được đi học. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo vẫn thấp hơn so với nam giới đã làm hạn chế các cơ hội lựa chọn việc làm có chuyên môn kỹ thuật, có thu nhập cao của lao động nữ. Nữ cán bộ, công nhân, viên chức được đào tạo sau đại học, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và tin học, ngoại ngữ cũng chỉ chiếm từ 25 đến 35% so với tổng số người được đào tạo trong tỉnh. Tỷ lệ nữ có học hàm, học vị cao còn quá thấp so với nam giới.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này đó là định kiến giới, tư tưởng gia trưởng trọng nam hơn nữ vẫn tồn tại một cách phổ biến tại các gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Một số quy định trong các lĩnh vực liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp; việc lồng ghép giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình và dự án giáo dục chưa được quan tâm đúng mức… Công tác thống kê số liệu giáo dục có tách biệt giới chưa được các cơ quan, tổ chức quan tâm, kể cả với cơ quan thống kê.

Có một thực tế là, không chỉ nam giới có tư tưởng tạo sự mất bình đẳng giới mà ngay cả phụ nữ – đối tượng chịu sự ảnh hưởng của sự mất bình đẳng đó cũng đôi khi chấp nhận thực tế đó như một lẽ đương nhiên. Nhiều phụ nữ và thanh nữ dân tộc thiểu số (Thái, Nùng) ở xã vùng ba Cư Drăm (huyện Krông Bông) cho rằng: “Con gái thì không cần phải học cao làm gì”. Do đó, chưa có được cách giải quyết vấn đề này một cách gốc rễ, hiệu quả.

Lớp học nghề “Chăn nuôi - thú y” ở xã Ea Sin, huyện Krông Buk.
Lớp học nghề “Chăn nuôi - thú y” ở xã Ea Sin, huyện Krông Buk.
Giải pháp nhằm tiến tới bình đẳng giới trong giáo dục
Thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch hành động của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, trong những năm qua, việc thực hiện các Đề án về việc qui hoạch mạng, lưới trường lớp theo các Quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành giáo dục đã tập trung củng cố và phát triển trường học của các bậc học, ngành học. Nhờ vậy, tỷ lệ trẻ ra lớp trong độ tuổi ở các bậc học đều tăng, trong đó trẻ em gái trong độ tuổi được huy động đạt trên 97%. Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trên địa bàn được chú trọng. Trong 10 năm (2001-2010) đã có 6.520 phụ nữ tuổi từ 15 đến 35 được xóa mù chữ, đạt 96,6%.  Hiện tại, trên 76% xã phường của tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trên 97% đạt chuẩn phổ cập THCS. Kết quả đó chính là nỗ lực vượt bậc của toàn xã hội và ngành giáo dục, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Sở LĐTB&XH - Phó trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, cơ hội đến trường được mở rộng cho tất cả mọi người, vì vậy vấn đề quan trọng là cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân để giúp đỡ giới nữ nắm bắt lấy cơ hội học tập, làm việc, cống hiến để thay đổi cuộc sống. Và một trong những biện pháp được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới là phải tăng cường công tác truyền thông, trong đó phải tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng. Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý thông qua việc nghiên cứu, ban hành chiến lược, chính sách và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Theo đó, khi quy định những vấn đề liên quan đến tuổi của nam hay nữ nên quy định theo hướng mở để nữ giới có cơ hội lựa chọn, có cơ hội được đóng góp và cống hiến cho xã hội. Bước vào giai đoạn 2011-2015, tỉnh tiếp tục có kế hoạch tăng cường tuyên truyền rộng rãi lợi ích của giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái, đẩy mạnh công tác xóa mù, phát động phong trào phụ nữ nâng cao học vấn trong mọi tầng lớp; tạo nguồn cán bộ nữ, nhất là tập trung quan tâm hơn nữa về phát triển đội ngũ cán bộ nữ ở các cấp, ngành. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng và kết quả quá trình công tác, phát hiện những cán bộ nữ trẻ, có năng lực, tạo điều kiện để phát triển trở thành cán bộ nữ cốt cán, nữ lãnh đạo của các cơ quan, doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở để tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh.

Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng cần phải có lộ trình và thời gian để thực hiện. Sự chung tay của các cấp các ngành để cùng thực hiện mục tiêu xã hội này là hết sức cần thiết, song điều đặc biệt quan trọng lúc này là cần phải thay đổi cơ bản nhận thức truyền thống của mỗi giới về vấn đề bình đẳng giới.

Minh Quân

Ý kiến bạn đọc