Công tác dân số ở Ea Ktur: Khi tuyên truyền, vận động đi vào lòng dân
Nhờ biết chọn lựa cách tuyên truyền phù hợp với đặc thù dân cư, cộng với việc triển khai tốt công tác, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ), công tác dân số-KHHGĐ ở xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) đã đạt kết quả khá toàn diện cả về giảm sinh đến số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đặc biệt nhận thức của chị em về lợi ích của quy mô gia đình ít con đã được nâng cao.
Là xã có diện tích rộng với 24 thôn, buôn, trong đó 11 thôn, buôn là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo đạo Công giáo, trước đây công tác Dân số-KHHGĐ ở xã Ea Ktur gặp khá nhiều trở ngại vì phần lớn phụ nữ là giáo dân thường tránh tiếp cận với các thông tin về CSSKSS-KHHGĐ và chuyện các gia đình có con thứ 3, thứ 4 không phải là chuyện hiếm. Chính vì thế, việc vận động phụ nữ, nhất là phụ nữ công giáo thực hiện KHHGĐ là cả một quá trình khó khăn, vất vả đối với những người làm công tác DS-KHHGĐ ở nơi đây. Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ của xã chia sẻ: “Theo quan niệm của bà con giáo dân thì việc sinh đẻ phải thuận theo tự nhiên, sử dụng các biện pháp tránh thai là mang tội. Do đó, để thay đổi quan niệm ấy, hằng tháng ngoài việc trực tiếp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tiếp cận tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số của Đảng và Nhà nước, chúng tôi còn phối hợp với Ban tự quản thôn, buôn để tuyên truyền lồng ghép trong các buổi họp dân và phối hợp với Hội đồng giáo xứ để đưa việc tuyên truyền về DS-KHHGĐ đến với giáo dân. Thông qua các buổi lễ tại nhà thờ, linh mục chánh xứ đã răn dạy giáo dân hiểu rõ thực hiện KHHGĐ là thực hiện sinh sản có trách nhiệm, sinh sản phải đi đôi với dạy dỗ, nuôi nấng… “Mưa dầm thấm lâu”, bằng những lời lẽ có lý có tình, thuận tự nhiên của đội ngũ cán bộ, công tác viên làm công tác dân số và cha xứ, nên công tác dân số ở xã Ea Ktur đã có những chuyển biến rõ nét, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn mỗi năm giảm dần, đặc biệt năm 2011 đã có những thôn mà 100% dân số là đồng bào Công giáo không có trường hợp sinh con thứ 3; tỷ lệ phụ nữ có chồng sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 70% và đã có 12 trường hợp tự nguyện đình sản.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Ea Ktur đang tuyên truyền, vận động chị em trên địa bàn thực hiện KHHGĐ. |
Trên thực tế, việc vận động đã khó nhưng để bà con giáo dân, nhất là giáo dân người dân tộc thiểu số tin và làm theo lại càng khó hơn. Chính vì vậy, Ban Dân số-Gia đình-Trẻ em của xã Ea Ktur còn phối hợp với Hội Phụ nữ xã thành lập các câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Gia đình không có con cái vi phạm pháp luật” để thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ tiếp cận và giải thích cho chị em về Pháp lệnh dân số, những ưu thế của quy mô gia đình ít con và tác hại của việc lựa chọn giới tính thai nhi và động viên chị em “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”…. Thậm chí, trong các lần sinh hoạt câu lạc bộ, nhiều tấm gương về những gia đình ít con, hạnh phúc, ấm no ngay ở trên địa bàn đã được giới thiệu đến các thành viên câu lạc bộ để mọi người cùng thấy rõ hiệu quả của việc thực hiện KHHGĐ một cách chân thực nhất. Qua những lần sinh hoạt như vậy đã từng bước làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi sinh đẻ của các cặp vợ chồng giáo dân. Nhờ vậy, nhiều cặp vợ chồng đã có quan niệm đúng về việc sinh đẻ có trách nhiệm, dù sinh con một bề nhưng vẫn quyết tâm “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Chị Nguyễn Thị Lệ Thủy, một giáo dân trên địa bàn tâm sự: “Tôi đi nhà thờ đã được nghe cha xứ giảng về việc sinh sản phải có trách nhiệm với gia đình nên dù kinh tế gia đình không đến nỗi nào nhưng vợ chồng tôi cũng quyết tâm chỉ sinh hai con để có điều kiện chăm sóc các cháu thật tốt. Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Ngọc ở thôn 2, xã Ea Ktur tuy mới chỉ có một cậu con trai nhưng vẫn quyết tâm không sinh con nữa chỉ bởi một lý do “sinh con ra phải chăm sóc và dành cho con những điều kiện tốt nhất để phát triển”. Anh Ngọc thổ lộ: “Ngày trước ba mẹ tôi sinh tới 9 người con, cảnh nhà đông người, kinh tế khó khăn nên con cái không có điều kiện để học tập, phát triển. Cả nhà 9 anh em nhưng chỉ có tôi và một người anh nữa được học hành đến nơi đến chốn, những người khác phải ở nhà làm rẫy để phụ giúp bố mẹ phát triển kinh tế gia đình. Lớn lên trong hoàn cảnh ấy, tôi luôn thấu hiểu tác hại của việc sinh nhiều con. Bên cạnh đó, mỗi lần đi nhà thờ, được nghe cha răn dạy sinh con ra phải có trách nhiệm với con, tôi càng ý thức rõ hơn việc thực hiện KHHGĐ không phải là để làm lợi cho xã hội mà trước hết là mang lại lợi ích cho chính gia đình mình. Vì thế, vợ chồng tôi quyết tâm chỉ sinh một con và nỗ lực phát triển kinh tế để dành cho con những điều kiện tốt nhất…”. Có thể thấy, để mỗi gia đình giáo dân đều có nhận thức đúng đắn về công tác DS-KHHGĐ và coi việc thực hiện KHHGĐ là trách nhiệm của bản thân, gia đình mình là nhờ chính quyền và Ban Dân số-Gia đình-Trẻ em xã Ea Ktur đã tìm ra cách tuyên truyền phù hợp với đặc thù của từng địa bàn dân cư. Theo nhận định của ông Phạm Huy Nhân, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cư Kuin thì, việc tuyên truyền về DS-KHHGĐ ở các địa bàn dân cư đặc thù, nhất là vùng đồng bào có đạo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài các biện pháp tuyên truyền chung phải có những hình thức truyền thông đặc thù. Chính vì tìm được cách làm riêng là truyền thông trực tiếp, truyền thông có trọng điểm, lấy dân làm gương cho dân mà Ea Ktur đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác DS-KHHGĐ và trở thành một điểm sáng của huyện về công tác này.
Quả thực, câu chuyện dân số ở Ea Ktur đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ. Để có được kết quả này là sự nỗ lực lớn của chính quyền địa phương, đội ngũ những người làm công tác dân số và cả sự đồng thuận của người dân trên địa bàn. Và sự đồng thuận ấy ngày hôm nay được khởi nguồn từ chính những lần tuyên truyền, vận động ngày hôm qua.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc