Cựu chiến binh xã Ea Hồ (Krông Năng): Góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương
Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và quyết tâm vượt khó, Hội cựu chiến binh (CCB) xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) đã và đang phát huy bản chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" trong phong trào phát triển kinh tế; tham gia đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, góp phần xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh.
Cán bộ, hội viên CCB xã Ea Hồ trò chuyện với bà con buôn Năng. |
Năng động trong phát triển kinh tế
Hội CCB xã Ea Hồ có 19 chi hội với gần 300 hội viên, trong đó gần một nửa là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Đa số hội viên cuộc sống còn khó khăn, thiếu vốn cũng như kinh nghiệm sản xuất. Để “tiếp sức” cho hội viên phát triển kinh tế, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội 920 triệu đồng cho vay phát triển sản xuất; vận động xây dựng quỹ chi hội, quỹ đồng đội; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp, xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Nhờ vậy, nhiều hội viên đã vươn lên làm giàu với mức thu nhập từ 50 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Điển hình như CCB Lê Việt Cường (thôn Hồ Tiếng). Mặc dù sản lượng thu được từ 14 ha cà phê khá cao (50-60 tấn nhân/năm) nhưng do chi phí đầu tư lớn, giá cả mặt hàng này lại bấp bênh nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Xác định làm kinh tế cần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phòng tránh rủi ro, ông quyết định bán bớt một phần diện tích, lấy vốn chuyển đổi sang trồng 2.000 trụ tiêu, đầu tư xây dựng trang trại nuôi nhím, Chồn nhung đen và Chim trĩ đỏ. Đến nay “Cơ sở nhím giống Phú Sơn” của ông khá nổi tiếng, khách hàng mua giống ngày càng nhiều nên cung không đủ cầu. Vì vậy, ông Cường đã đứng ra liên kết các hộ nuôi nhím trong vùng thành hệ thống “vệ tinh” nhằm trao đổi, cung cấp nhím giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nguồn phân chuồng được gia đình ông tận dụng ủ phân vi sinh bón cho cây trồng nên tiết kiệm 20% chi phí đầu tư. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi trên 1,5 tỷ đồng từ trang trại trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Còn đối với Y Táp M’lô, Chi hội trưởng CCB buôn Hồ A (xã Ea Hồ) quá trình vượt khó làm giàu cũng hết sức gian nan. Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng phục vụ trong quân ngũ, gia tài của ông chỉ là mấy ha đất trắng được bố mẹ chia cho. Ban đầu, ông trồng các loại cây hoa màu “lấy ngắn nuôi dài”, tích lũy vốn trồng dần cà phê. Để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích 2,5 ha cà phê, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mua giống trả chậm để trồng xen canh 150 cây sầu riêng hạt lép, đến nay đã cho thu hoạch với năng suất 3 tạ/cây. Theo ông Y Táp, hiệu quả của việc trồng xen không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn rải vụ thu hoạch, giảm chi phí đầu tư, công lao động, 2 loại cây trồng hỗ trợ, che bóng cho nhau nên năng suất, chất lượng đều tăng. Từ mô hình xen canh này, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Góp sức xây dựng hệ thống chính trị địa phương
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, những năm qua Hội CCB xã cũng tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thu hút những nhân tố tích cực là người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng buôn, người có uy tín tham gia công tác vận động quần chúng; kết nạp hội viên người dân tộc thiểu số tại chỗ. Bên cạnh đó, Hội cũng kết hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương vận động người dân ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự và đưa vào hương ước, giao ước thi đua để mọi người cùng thực hiện. Trong các buổi sinh hoạt thôn, buôn, các chi hội luôn tranh thủ lồng ghép những nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phối hợp với người có uy tín, già làng, trưởng buôn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt truyền thống, trong đó có nội dung kể các câu chuyện về Bác Hồ bằng tiếng mẹ đẻ để bà con dễ nghe, dễ hiểu nên được mọi người hưởng ứng. Mỗi khi tình hình an ninh chính trị trên địa bàn có diễn biến phức tạp, Hội sẽ điều động và phân công hội viên phụ trách theo cụm từ 4-6 hộ gia đình, thực hiện “3 cùng” ở các địa bàn “nóng” nhằm nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng, diễn biến tâm trạng của người dân để có hướng xử lý kịp thời. Một nét nổi bật nữa trong cách làm của Hội CCB xã là mời những cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ đã về hưu tham gia vào ban chấp hành chi hội CCB các buôn. Bằng uy tín, kinh nghiệm, sự nhạy bén và am hiểu địa bàn, tâm lý đồng bào, họ đóng vai trò quan trọng trong định hướng phong trào quần chúng; phát hiện, giới thiệu cho Đảng nhiều quần chúng ưu tú. Nhờ cách làm linh hoạt trên, những năm qua, Hội CCB xã Ea Hồ đã góp phần không nhỏ trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng hệ thống chính trị tại địa phương.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc