Multimedia Đọc Báo in

Những người phụ nữ nỗ lực để thoát nghèo

14:31, 24/03/2012

Trước đây, hộ chị Lê Thị Lập ở thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến (Cư M’gar) có hoàn cảnh rất khó khăn, do phải nuôi chồng ốm đau kéo dài nên tài sản rẫy nương của gia đình đều phải bán để lo việc chữa bệnh cho chồng.

Không vượt qua được bệnh tật, chồng chị Lập mất đi để lại cho chị một khoản nợ lớn cùng với 3 người con đang tuổi ăn học. Năm 2010, được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền 15 triệu đồng, chị Lập đã đầu tư nuôi gà, heo nái. Nhờ cần cù, chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi nên chị chăn nuôi có hiệu quả, đã có một nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình. Với đà này, chị Lập phấn đấu cuối năm nay sẽ ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn.

Chị Nguyễn Thị Tiến đi thu gom phế liệu.

 

Ở cùng thôn với chị Lập có chị Nguyễn Thị Tiến, cách đây 3 năm, hai mẹ con chị Tiến phải ở nhờ nhà của bà con. Vừa chịu khó đi mua bán phế liệu, tích lũy tiền dành dụm, chị Tiến còn được các đoàn thể trong thôn cho vay thêm tiền để mua trả góp một mảnh đất 100m2. Đến cuối năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ thêm 10 triệu đồng cùng với sự đóng góp hàng chục ngày công lao động của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, gia đình chị Tiến đã xây được căn nhà rộng hơn 40m2. Cuộc sống đã bớt khó khăn, nên cuối năm 2011 chị Tiến đã làm đơn xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện chị cũng đã mua được 1 sào ruộng nước để làm lúa, cùng với việc mua bán phế liệu, chị rất lạc quan rằng kinh tế gia đình sẽ ngày càng phát triển, cuộc sống sẽ ổn định hơn.

Hay như hộ bà Nguyễn Thị Tám, là hộ nghèo nhưng lại không nhận tiền hỗ trợ vốn vay của Nhà nước mà cố gắng động viên gia đình tiết kiệm chi tiêu để không rơi vào cảnh túng quẫn. Bà Tám sinh được 7 người con, 6 người đã ra ở riêng và chỉ còn cô con gái út là ở với mẹ. Hai mẹ con sống với nhau trong căn nhà gỗ được xây dựng cách đây 50 năm. Với sự siêng năng và chịu khó, hai mẹ con bà hằng ngày trồng rau thơm trên mảnh đất nhỏ xung quanh nhà. Thu nhập từ việc bán rau thơm đã cho hai mẹ con một khoản thu thường xuyên là 30.000 đồng/ngày. Để có thu nhập cao hơn, người con gái của bà Tám vẫn tranh thủ đi làm thuê những công việc phù hợp với sức khỏe, tuổi tác của mình. Sự chịu khó trong lao động đã khiến cho cộng đồng khu dân cư ai cũng yêu mến và cảm phục mẹ con bà Tám về tình nghĩa gia đình, mẹ con, về tinh thần chịu khó, siêng năng trong cuộc sống.

Rau thơm cũng đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình bà Tám.

Ông Đỗ Hồng Tới, Trưởng thôn Tiến Đạt cho biết: Do có sự hỗ trợ về vốn và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo trong phát triển kinh tế gia đình nên công tác giảm nghèo của thôn Tiến Đạt được xem là bền vững nhất ở huyện Cư M’gar. Đặc biệt, ở thôn Tiến Đạt, người  dân không những biết chủ động để phát triển kinh tế mà còn biết đoàn kết giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, các tổ chức đoàn thể của thôn như: Hội Phụ nữ, Hội CCB, Hội Nông dân đều xây dựng được quỹ hỗ trợ hộ nghèo do hội viên đóng góp với số tiền hàng chục triệu đồng để luân phiên giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn  làm kinh tế, đặc biệt luôn dành sự ưu tiên cho những hộ  nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Những ngôi nhà thắm tình đoàn kết
Đề án xây dựng 1.200 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không chỉ góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà còn là một trong những chương trình trọng điểm, ý nghĩa chào mừng Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 -22/11/2024).