Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào cho xuất khẩu lao động?

14:19, 21/04/2012

Trong buổi làm việc của Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với Sở LĐ TB&XH về việc triển khai thực hiện Chương trình giải quyết việc làm tỉnh Dak Lak đến năm 2010 theo Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh có rất nhiều ý kiến xoay quanh những vướng mắc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, trong 5 năm qua tỉnh đã đưa 3.741 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tính ra, trung bình mỗi năm có gần 750 người đi xuất khẩu lao động (chỉ bằng số người đi xuất khẩu lao động ở một huyện của một số tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Thái Bình…). Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng trước khi thực hiện Chương trình thì toàn tỉnh có hơn 887.000 người ở độ tuổi lao động, khoảng 100.000 lao động có nhu cầu việc làm.

Vậy nguyên nhân do đâu công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh ta còn nhiều hạn chế? Một số ý kiến cho rằng: vướng mắc đầu tiên là do tâm lý của người lao động, nhất là người dân tộc thiểu số thường ngại đến những nơi xa lạ, sợ khó khăn… Mặt khác, thị trường xuất khẩu lao động phần lớn đều ở các nước có thu nhập thấp như Malaisia, Đài Loan nên không hấp dẫn người lao động. Đối với những thị trường xuất khẩu có mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc thì đòi hỏi người lao động phải được đào tạo, có tay nghề và vấn đề mấu chốt là chi phí ban đầu rất cao, hơn 80 triệu đồng/ người, chưa kể có những hợp đồng đòi hỏi phải đóng tiền thế chân (đề phòng người lao động bỏ trốn) lên đến gần 200 triệu đồng. Với số tiền lớn như vậy, những lao động cần việc làm đa số rơi vào các hộ nghèo rất khó xoay xở, trong khi hạn mức cho vay xuất khẩu lao động của Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ ở mức tối đa 30 triệu đồng (trên 30 triệu đồng phải có tài sản thế chấp). Trong 5 năm thực hiện Chương trình theo Nghị quyết 24 chỉ có 552 người (chiếm 1/7 số người đi xuất khẩu lao động) được vay từ nguồn vốn này với tổng số tiền 9,3 tỷ đồng. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính đến nay dư nợ cho vay xuất khẩu lao động là 3,3 tỷ đồng một con số quá ít ỏi so với gần 62 tỷ đồng dư nợ cho chương trình giải quyết việc làm và 2.540 tỷ đồng tổng dư nợ của 9 chương trình cho vay phục vụ chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh ta còn bộc lộ những hạn chế: Chính quyền ở một số huyện, xã chưa thực sự quan tâm đến công tác giải quyết việc làm nói chung và xuất khẩu lao động nói riêng; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong đào tạo nguồn lao động và nhu cầu thị trường xuất khẩu; số lao động xuất khẩu có tay nghề chiếm tỷ lệ thấp; vẫn còn tình trạng chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được giới thiệu về địa bàn, gây khó khăn cho khâu tuyển dụng. Công tác quản lý hoạt động giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động chưa chặt chẽ, chưa thanh tra kiểm tra thường xuyên, tình trạng doanh nghiệp chưa có tư cách pháp nhân giới thiệu việc làm vẫn tùy tiện hoạt động, lừa đảo trong xuất khẩu lao động... đã làm suy giảm lòng tin của người lao động đến chính sách xuất khẩu lao động.

Trong khi xuất khẩu lao động đang là “kênh” xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả của nhiều địa phương thì đối với Dak Lak một tỉnh có nguồn nhân lực tiềm năng nhưng chưa phát huy được lĩnh vực này? Cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể khắc phục những vướng mắc trong công tác xuất khẩu lao động để đạt mục tiêu của Nghị quyết 24 là “hằng năm có khoảng 2.500 đến 3.000 lao động thường xuyên làm việc tại nước ngoài”.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc