Multimedia Đọc Báo in

Giao thông nông thôn huyện Krông Ana: Sức bật từ lòng dân

08:32, 24/04/2012

Những năm qua, phong trào giao thông nông thôn (GTNT) ở huyện Krông Ana có nhiều chuyển biến tích cực, với hệ thống đường không ngừng được hoàn thiện, tạo thông suốt từ trung tâm huyện đến cơ sở, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Có được thành tích nổi bật ấy là do huyện đã huy động được sức dân tham gia phong trào.

Những điểm sáng trong phong trào GTNT

Huyện Krông Ana có 54km tỉnh lộ, 100% đã được bê tông, nhựa hóa; gần 51km đường huyện, trong đó đã rải nhựa gần 40km và 72km đường xã, đã rải nhựa 58km, còn lại là đường cấp phối và đường đất. Là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào GTNT, huyện luôn chú trọng công tác huy động sức dân, với hàng nghìn ngày công, hàng trăm triệu đồng để nhựa hóa các tuyến đường tại địa phương. Đến buôn Tuôr A và Tuôr B (xã Dray Sáp) vào những ngày này, mọi người đều cảm nhận được sự thông thoáng, rộng rãi của những con đường vào buôn. Đó là nhờ vào sự đóng góp rất lớn của các đoàn viên thanh niên trong xã từ việc tuyên truyền vận động người dân, nêu gương những điển hình tiên tiến trong phong trào GTNT, đến việc tham gia ngày công cùng bà con trong buôn giải tỏa mặt bằng, mở rộng mặt đường… Tương tự, tại thôn Hòa Trung (xã Ea Bông), ngay từ đầu năm 2012, Ban tự quản thôn đã tích cực vận động bà con đóng góp tiền của, ngày công bê tông hóa 1km đường nội thôn; những hộ có diện tích đất nằm dọc mặt đường lớn thì đóng góp nhiều, hộ nghèo và gia đình chính sách thì tự nguyện

GTNT là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Krông Ana.
GTNT là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Krông Ana.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Lục, thôn phó thôn Hòa Trung cho biết:- do số hộ dân trong thôn khá đông, để thuận tiện cho công tác vận động, các đoàn thể chia nhỏ từng nhóm, tiến hành họp dân khoảng 10 hộ/lần để lấy ý kiến, bàn bạc và đi đến thống nhất cao, mọi người đều tích cực hưởng ứng và tự nguyện tháo dỡ các công trình tường rào, cây cối, đào mương thoát nước để làm đường. Anh Nguyễn Phi Hùng, người dân thôn Hòa Trung cho hay, mặc dù gia đình phải đóng góp một khoản tiền lớn để làm đường, nhưng đổi lại được cái lợi ích lâu dài, con cái đi học đỡ vất vả, người dân đi làm nương rẫy cũng thuận tiện hơn. Đặc biệt, khi đường thông thoáng, giá trị mảnh đất thổ cư của gia đình anh cũng cao hơn nhiều lần so với trước.

Tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới

Xác định GTNT là một trong những tiêu chí hàng đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra mục tiêu: phấn đấu 100% xã có đường nhựa đến trung tâm huyện, 60% đường xã và 35% đường thôn, buôn được cứng hóa. Chấp hành nghị quyết, năm qua xã Quảng Điền đã vận động người dân tự nguyện đóng góp trên 600 triệu đồng để cứng hóa các tuyến đường nội thôn. Điểm nổi bật là phong trào làm GTNT ở đây từ lâu đã trở thành làn sóng lan tỏa sâu rộng đến từng hộ dân, từng thôn, đóng góp công sức làm đường nơi mình sinh sống. Cũng như Quảng Điền, Đảng bộ và người dân xã Ea Bông cũng xác định GTNT là tiêu chí quan trọng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương nên phải tiến hành làm ngay. Chỉ tính riêng năm 2011, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Ea Bông đã tiến hành tu sửa trên 1km đường giao thông nội đồng tại thôn Hòa Tây, 1,7km đường cấp phối thôn Hòa Đông, đường nội buôn M’lớt dài 1,5km, xây dựng 2 cầu ra cánh đồng buôn Kô, buôn Riăng…, với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Anh Trần Đình Chiến, Chủ tịch UBND xã Ea Bông cho biết: hệ thống giao thông phát triển không chỉ thuận lợi cho dân đi lại, mà cũng chính là cơ hội để địa phương tận dụng các tiềm năng, lợi thế của mình phát triển các mô hình kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, đặc biệt góp phần thúc đẩy ngành sản xuất gạch ngói trên địa bàn phát triển.

Để từng bước cứng hóa các tuyến đường trên địa bàn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm nay huyện Krông Ana sẽ hỗ trợ các thôn, buôn khoảng 4 tỷ đồng để thực hiện Chương trình bê tông hóa GTNT bằng hình thức hỗ trợ xi măng, chính quyền địa phương tự giải phóng mặt bằng, nhân dân tự nguyện đóng góp vật liệu, ngày công lao động. Ông Nguyễn Công Hạnh, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện khẳng định: sự phát triển mạng lưới GTNT là một trong những điều kiện thuận lợi nhất cho công tác xóa đói giảm nghèo, là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.