Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam nhất quán về bảo vệ quyền con người

13:47, 03/04/2012
Ngày 2-4, tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Mỹ, Cao ủy về quyền con người của Liên hiệp quốc tổ chức Hội nghị tham khảo ý kiến các nước thành viên Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy Hệ thống công ước quốc tế về quyền con người.
 
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc, tham gia và chủ trì phiên thảo luận đầu tiên của hội nghị. 
 
Đại sứ Lê Hoài Trung cho biết đối với Việt Nam, bảo đảm quyền con người là chính sách nhất quán đã được thể hiện về mặt luật pháp cũng như các cơ chế thực hiện. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Việt Nam tham gia hầu hết các công ước về quyền con người như quyền dân sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phụ nữ, trẻ em... Đây là cơ sở để Việt Nam xây dựng luật pháp và cơ chế thực hiện với sự tham gia của Nhà nước, toàn dân và các tổ chức xã hội. Việc tham gia hội nghị lần này của Việt Nam thể hiện chính sách nhất quán nhằm bảo đảm quyền con người và cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và đóng góp vào các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người. 
 
Hội nghị tham khảo ý kiến các nước thành viên Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế diễn ra trong hai ngày 2 và 3-4 này nằm trong khuôn khổ quá trình tham khảo ý kiến của Cao ủy về Quyền con người của Liên hiệp quốc. Đây là hội nghị tham khảo ý kiến đóng góp cuối cùng của Cao ủy về Quyền con người của Liên hiệp quốc trước khi tổng hợp ý kiến của các bên liên quan, sau đó xây dựng báo cáo trình Đại Hội đồng Liên hiệp quốc và dự kiến công bố vào tháng 6-2012.
 
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch khóa 66 Đại hội đồng Liên hiệp quốc, ông Nassir Abdulaziz Al-Nasser; Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon; Cao ủy phụ trách Quyền Con người của Liên hiệp quốc Navi Pillay; đại diện các nước thành viên Liên hiệp quốc; các thành viên thuộc hệ thống các cơ quan công ước quốc tế về nhân quyền và các tổ chức khác ở trong và ngoài Liên hiệp quốc. 
 
Trong diễn văn khai mạc, bà Navi Pillay, Cao ủy phụ trách Quyền Con người của Liên hiệp quốc cho biết hội nghị lần này của Liên hiệp quốc nhằm lấy ý kiến của các nước và các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả các công ước quốc tế về quyền con người tại các quốc gia và trên thế giới. 
 
Hội nghị sẽ nghe các báo cáo và tập trung thảo luận 5 vấn đề quan trọng: huy động và sử dụng các nguồn hiệu quả để thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người; đẩy mạnh chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các cơ quan công ước về quyền con người; đẩy mạnh công tác chuẩn bị báo cáo của các nước và đối thoại giữa các nước và các cơ quan công ước; tăng cường phối hợp các biện pháp hoạt động của các cơ quan công ước; áp dụng nhiều biện pháp cụ thể để tiến hành đối thoại mang tính chất xây dựng hơn nữa.
 
Hệ thống các cơ quan công ước nhân quyền quốc tế là một trong những cơ chế hiệu quả của Liên hiệp quốc trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Theo quy định, các quốc gia có nghĩa vụ nộp báo cáo định kỳ về việc thực hiện các công ước mà quốc gia đó là thành viên, và các cơ quan công ước sẽ đánh giá việc thực hiện và đưa ra các khuyến nghị đối với các quốc gia.
 
Sự phát triển của hệ thống công ước trong 10 năm qua đã mang đến nhiều thách thức về khối lượng công việc và yêu cầu về nhân lực và ngân sách. Đây là kết quả của việc thông qua các công ước mới, dẫn đến việc thành lập các cơ quan công ước mới; việc mở rộng các chức năng của cơ quan công ước, sự gia tăng về số lượng các nước thông qua các công ước và các nghị định thư, dẫn đến sự gia tăng về khối lượng công việc, cụ thể là số lượng các báo cáo, các kháng thư mà các cơ quan này phải xem xét. Số lượng các nước phê chuẩn công ước tăng cũng dẫn đến việc phải tăng số lượng các thành viên của cơ quan công ước liên quan. 
 
Những thách thức này đã dẫn đến yêu cầu cần phải cải tổ hệ thống các cơ quan công ước nhằm đảm bảo các cơ quan này có thể tiếp tục triển khai các chức năng của mình một cách hiệu quả.
 
Theo TTXVN
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.